Sunday, 24/11/2024 | 01:58 GMT+7

Xây dựng mức chuẩn hiệu quả năng lượng cho ngành hóa chất

12/07/2013

TiềmTnăng TKNL của các ngành hóa chất có thể lên đến 40% tổng sử dụng năng lượng

Sáng 12/7, tại Hà Nội, Dự án tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam (CPEE) đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng (ENERTEAM) tổ chức Hội thảo xây dựng mức chuẩn hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam. Đến dự hội thảo có ông Cao Quốc Hưng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng – Bộ Công Thương; ông Nguyễn Văn Long - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và tiết kiệm năng lượng (TKNL) - Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương; ông Trần Hồng Kỳ - đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) và các đại diện khác là các chuyên gia và DN thuộc ngành hóa chất.

a62c43c5a_1_.jpg

Ông Nguyễn Văn Long phát biểu khai mạc hội thảo

Ông Tô Đình Thái – Điều phối viên Dự án CPEE cho biết, dự án Xây dựng mức chuẩn hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam (một dự án thuộc CPEE) được thực hiện nhằm thiết lập chuẩn hiệu suất năng lượng cho sản xuất một số sản phẩm ngành hóa chất; Xây dựng kế hoạch hành động hiệu quả năng lượng cho các sản phẩm đó; Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong TKNL ngành hóa chất; Hỗ trợ Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật hiệu suất năng lượng… Theo đó, hội thảo được tổ chức nhằm trình bày phương pháp luận, những kết quả kiểm toán sơ bộ và xây dựng mức chuẩn hiệu quả năng lượng cho ngành hóa chất, đồng thời thu thập ý kiến phản hồi để hoàn thiện dự án. 

Cụ thể, dự án đã thực hiện khảo sát và kiểm toán năng lượng tiêu biểu cho một số nhà máy thuộc ngành hóa chất; Khảo sát và xây dựng đường chuẩn hiệu quả năng lượng cho 3 phân ngành (40 nhà máy chế biến cao su, hơn 20 nhà máy sản xuất phân bón và 28 nhà máy sản xuất sơn), đồng thời lựa chọn thực hiện kiểm toán năng lượng sơ bộ cho 20 nhà máy thuộc 3 phân ngành kể trên. Theo đó, tiềm năng TKNL của các ngành hóa chất có thể lên đến 40%. 

6d70f0d75_3.jpg

Chuyên gia Gerard McNulty chia sẻ những giải pháp TKNL trong ngành hóa chất

Để tận dụng tiềm năng lớn này, các chuyên gia đã tư vấn nhiều giải pháp có thể giúp TKNL cho ngành hóa chất. Cụ thể, ông Gerard McNulty – chuyên gia quốc tế cho biết, DN có thể tiếp cận với nhiều giải pháp, từ đơn giản đến phức tạp, trong đó, các giải pháp TKNL chi phí thấp, có thời gian thu hồi vốn dưới 1 năm  như quản lý nội vi tốt (sửa chữa rò rỉ hệ thống khí nén, bộ định thời và điều khiển đơn giản, cải thiện việc bảo trì tốt hơn) có thể giúp DN tiết kiệm khoảng 3 – 10% tổng sử dụng năng lượng. Các giải pháp TKNL chi phí trung bình, có thời gian thu hồi vốn dưới 2 năm bao gồm lắp biến tần, thiết bị thu hồi nhiệt, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng… có khả năng giúp DN tiết kiệm khoảng 10 – 15% tổng sử dụng năng lượng. Các giải pháp TKNL chi phí cao, có thời gian thu hồi vốn thấp hơn 4 năm như lắp đặt hệ thống kết hợp điện – nhiệt (CPH), điều khiển cao cấp, kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo… có thể giúp DN tiết kiệm đến 40% năng lượng tiêu thụ.

Cùng với những kết quả đã đạt được trong giai đoạn đầu của dự án, thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục xây dựng những kế hoạch và hành động hiệu quả năng lượng cho ngành; Tổ chức hội thảo để phổ cập kế hoạch hành động này, đồng thời khởi thảo quy chuẩn kỹ thuật hiệu suât năng lượng trong sản xuất sản phẩm hóa chất. 

Ông Nguyễn Văn Long cho biết thêm, chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã bước sang giai đoạn 2. Để thực hiện chương trình, Việt Nam đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, trong đó WB là một trong những đối tác quan trọng của dự án này. Bộ Công Thương trân trọng và mong muốn sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của quốc tế trong thời gian tới. 


Bảo Anh