Thursday, 23/01/2025 | 00:09 GMT+7
Hiện nay, có 4 doanh nghiệp đang xin đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời tại xã Cam Thịnh Đông và Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh). Qua khảo sát, các nhà đầu tư và cơ quan chức năng đều nhận định, đây là khu vực có lượng bức xạ mặt trời rất cao, có tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng mới.
Ồ ạt xin dự án
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, Công ty Cổ phần Tập đoàn năng lượng Tuấn Ân là đơn vị đầu tiên làm văn bản xin đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời. Ngày 20-8-2015, UBND TP. Cam Ranh đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn năng lượng Tuấn Ân và các ngành chức năng tiến hành khảo sát tại xã Cam Thịnh Đông và Cam Thịnh Tây để chọn địa điểm đầu tư nhà máy sản xuất điện năng lượng mặt trời. Nhà đầu tư chọn địa điểm tại thôn Thịnh Sơn, xã Cam Thịnh Tây, bởi ở đây có lượng bức xạ mặt trời khá lớn. Báo cáo tóm tắt của công ty cho thấy, dự án có quy mô tổng công suất 10MWp, tổng vốn đầu tư 401,4 tỷ đồng, tổng diện tích thực hiện dự án 10,6ha. Hiện nay, chủ đầu tư đang phối hợp với địa phương tiến hành kiểm kê, bồi thường giải phóng mặt bằng. Sau khi dự án hoàn thiện sẽ đấu nối vào lưới điện quốc gia. Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn năng lượng Tuấn Ân cũng là đơn vị đầu tư hệ thống phủ điện thôn Ninh Tân, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh bằng năng lượng mặt trời vào năm 2014.
Khu vực thôn Thịnh Sơn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn làm địa điểm xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Khai thác Thủy điện Sông Giang cũng đang xin đầu tư nhà máy điện mặt trời tại thôn Hòa Sơn, xã Cam Thịnh Đông và thôn Thịnh Sơn, xã Cam Thịnh Tây. Dự kiến công suất nhà máy 60MWp, diện tích thực hiện dự án khoảng 60,7ha. Hiện nay, chủ đầu tư đang lập các thủ tục trình lên các cơ quan chức năng. Tổng Công ty Điện lực miền Trung cũng đang đề xuất đầu tư nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung tại thôn Thịnh Sơn. Dự kiến công suất nhà máy khoảng 50MWp, tổng vốn đầu tư khoảng 1.904 tỷ đồng, tổng diện tích dự án khoảng 95ha. Chủ đầu tư đang lập thủ tục đề xuất thực hiện dự án. Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp - Xây dựng Hà Nội cũng mới có văn bản xin đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời với công suất lên đến 300MWp, vốn đầu tư giai đoạn 1 là 1.650 tỷ đồng, tổng diện tích 541ha.
Theo ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, dự án của Công ty Cổ phần Tập đoàn năng lượng Tuấn Ân đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương thực hiện; các dự án còn lại đang trong quá trình thẩm định. Việc các nhà đầu tư ồ ạt xin thực hiện dự án điện mặt trời đã mở ra một ngành công nghiệp mới trên địa bàn TP. Cam Ranh.
Kỳ vọng mới
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, TP. Cam Ranh có độ bức xạ năng lượng mặt trời trung bình đo được là 5,34kWh/m2/ngày. Ở 2 xã Cam Thịnh Đông và Cam Thịnh Tây, độ bức xạ còn cao hơn nhiều. Đây là điều kiện rất thuận lợi để triển khai thực hiện các dự án năng lượng tái tạo. Khu vực này không những có các điều kiện về địa lý, thiên nhiên thuận lợi, mà về khả năng đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia cũng rất tiện lợi. Thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của TP. Cam Ranh và Điện lực Cam Ranh - Khánh Sơn khảo sát thực địa, kiểm tra hiện trường, xác định vị trí và thống nhất phạm vi ranh giới khu đất dự kiến bố trí để thực hiện các dự án năng lượng mặt trời do các nhà đầu tư đề xuất tại địa bàn xã Cam Thịnh Tây và Cam Thịnh Đông.
Lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh cho biết, các khu vực nhà đầu tư chọn để xây dựng các nhà máy điện năng lượng mặt trời đều nắng hạn, sản xuất nông nghiệp không mang lại hiệu quả cao. Việc xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy năng lượng mặt trời trong tương lai không chỉ chống lãng phí quỹ đất, mà còn góp phần nâng cao sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo, đảm bảo nhu cầu điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo cấp điện liên tục, ổn định cho phụ tải khu vực.
Mới đây, UBND TP. Cam Ranh đã tổ chức cuộc họp với các nhà đầu tư để thống nhất những nội dung liên quan đến việc thực hiện dự án. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược có quy định ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm tiền thuế đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất đối với các đơn vị đầu tư nhà máy điện năng lượng tái tạo. Chiến lược cũng quy định bắt buộc các đơn vị điện lực phải có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo và được ưu tiên đấu nối với lưới điện quốc gia.
“Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo để trình Chính phủ phê duyệt giá điện áp dụng cho các dự án năng lượng tái tạo. Chính những chính sách ưu đãi như trên đã giúp các nhà đầu tư mạnh dạn xin triển khai dự án. Hy vọng các dự án triển khai thuận lợi, một mặt góp phần phát triển nguồn năng lượng mới, mặt khác thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”, ông Sơn nói.
Theo baokhanhhoa.com.vn