Friday, 22/11/2024 | 10:48 GMT+7

Việt Nam - Đan Mạch tiếp tục Chương trình đối tác năng lượng DEPP3

28/10/2021

Ngày 28 tháng 10 năm 2021, đã diễn ra Lễ ký kết Hiệp định giữa hai Chính phủ về Hợp tác phát triển trong Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025.

Ngày 28 tháng 10 năm 2021, thừa ủy quyền của Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, đại diện cho Chính phủ Vương quốc Đan Mạch đã ký kết Hiệp định giữa hai Chính phủ về Hợp tác phát triển trong Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025 (DEPP 3). Buổi lễ được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự lễ ký kết tại điểm cầu Việt Nam, về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, đại diện các cơ quan liên quan thuộc Bộ đến từ Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Thị trường châu Âu và châu Mỹ. Phía Đan Mạch có Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam ông Kim Højlund Christensen, Tham tán năng lượng ĐSQ Đan Mạch, quản lý Chương trình cấp cao. Điểm cầu Đan Mạch có sự tham gia của các chuyên gia năng lượng đến từ Trung tâm hợp tác năng lượng toàn cầu Đan Mạch.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Lễ ký kết. Ảnh: tietkiemnangluong.com.vn.

Khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định “Sự hỗ trợ, hợp tác của Chính phủ Đan Mạch trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của năng lượng Việt Nam theo hướng tăng cường các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, và cụ thể hoá các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam theo Thỏa thuận Paris.”

Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá cao những kết quả từ quá trình hợp tác giữa hai bên trong các giai đoạn 2013-2017 (DEPP 1) và giai đoạn 2017-2020 (DEPP 2). Trong giai đoạn sắp tới 2020-2025, Thứ trưởng Đặng Hoàng An tin tưởng Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 sẽ là một cơ hội tốt để Việt Nam xây dựng và thực hiện lộ trình phát triển carbon thấp ngành năng lượng, góp phần thực hiện các cam kết theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC).

Đại sứ Đan Mạch Kim Højlund Christensen phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: tietkiemnangluong.com.vn.

Đáp lời, Đại sứ Đan Mạch ông Kim Højlund Christensen cho biết: “Mối quan hệ hợp tác về chặt giữa Việt Nam - Đan Mạch đã có lịch sử lâu dài trên nhiều phương diện, điển hình là trong lĩnh vực khí hậu và năng lượng. Mối quan hệ này càng được làm sâu sắc thêm qua các hợp tác giữa Đại sứ quán Đan Mạch và đối tác Việt Nam ở cấp quốc gia tới cấp tỉnh”.

Ngài Đại sứ tin tưởng với hơn 50 năm kinh nghiệm trong phát triển các nguồn  năng lượng tái tạo, Đan Mạch sẽ giúp Việt Nam các bài học, giải pháp và thực hành hữu ích trong việc tìm kiếm một lộ trình chuyển dịch năng lượng xanh phù hợp. Điều này cũng sẽ góp phần hiện thực hóa các cam kết và tham vọng của Việt Nam về biến đổi khí hậu. 

Hình ảnh tại Lễ ký kết. Ảnh: tietkiemnangluong.com.vn.

Chương trình đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 (DEPP 3) đánh dấu bước phát triển tiếp theo trong quan hệ hợp tác đối tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng, trên cơ sở kế thừa và tiếp nối những thành công đã đạt được từ DEPP 2 (giai đoạn 2013-2020). Chương trình do Bộ Công Thương chủ quản, chủ dự án là Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Chương trình có tổng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 60,29 triệu Cua-ron Đan Mạch (tương đương 8,96 triệu đô la Mỹ). 

Hình ảnh tại Lễ ký kết. Ảnh: tietkiemnangluong.com.vn.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển carbon thấp cho ngành năng lượng, góp phần cụ thể hóa cam kết đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC) theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nâng cao mục tiêu NDC và tăng cường các giải pháp liên quan vào năm 2025. Ba mục tiêu cụ thể của Chương trình gồm: (i) Nâng cao năng lực về quy hoạch ngành năng lượng và xây dựng cơ chế chính sách, tích hợp nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), bao gồm cả phát triển điện gió ngoài khơi và các công nghệ tiết kiệm năng lượng là các giải pháp có hiệu quả về kinh tế nhằm thực hiện cam kết NDC, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; (ii) Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và các giải pháp linh hoạt cho vận hành hệ thống điện để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi an toàn và hiệu quả theo hướng sử dụng năng lượng sạch với tỷ trọng các nguồn NLTT tăng lên; (iii) Xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp, nâng cao năng lực xây dựng và sửa đổi khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở cấp quốc gia và thực thi hiệu quả quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở cấp tỉnh.

Để triển khai các mục tiêu nêu trên, Chương trình được xây dựng với 03 Hợp phần: Hợp phần 1 “Nâng cao năng lực về quy hoạch ngành năng lượng dài hạn” do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì quản lý thực hiện; Hợp phần 2 “Nâng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện” do Cục Điều tiết điện lực chủ trì quản lý thực hiện; và Hợp phần 3 “Phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp” do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững chủ trì quản lý thực hiện. 

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch triển khai thực hiện Chương trình DEPP3 theo các nội dung đã thỏa thuận trong Hiệp định đã ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch. 

DEPP - Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch có khởi nguồn từ năm 2013. Bắt đầu từ Dự án chuyển hóa carbon thấp (DEPP 1) đã hỗ trợ cho 63 doanh nghiệp công nghiệp thực hiện đầu tư xanh, từ đó tiết kiệm hàng năm 400.000 kWh, giảm trên 235.000 tấn CO2. Giai đoạn 2017-2020, DEPP 2, hợp tác giữa hai bên tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu. Điển hình là sự ra đời Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019, đã đưa ra các khuyến nghị, chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu năng lượng Việt Nam theo hướng tăng cường các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch. DEPP 3 được kỳ vọng sẽ nối tiếp thành công của các giai đoạn trước, giúp Việt Nam xây dựng lộ trình carbon thấp cho ngành năng lượng, góp phần thực hiện và nâng cao các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế theo NDC. 

Giang Nguyễn ghi