Friday, 10/01/2025 | 12:40 GMT+7

Điện lực Nam Định nhiều giải pháp giảm thiểu tổn thất điện năng

11/03/2022

​Giảm thiểu tổn thất điện năng là giảm lượng điện tiêu hao trong quá trình truyền tải và phân phối điện từ hệ thống điện đến người sử dụng, đây là mục tiêu được Công ty Điện lực Nam Định nỗ lực thực hiện bằng nhiều giải pháp nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

Ông Đoàn Quốc Kiên, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định cho biết, biện pháp giảm tổn thất điện năng được đơn vị đang áp dụng, triển khai trong nhiều năm nay là tăng cường đầu tư hệ thống điện nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành, kinh doanh. 
 
Đối với công tác đầu tư, sau khi tiếp nhận lưới điện nông thôn từ các xã, hợp tác xã về quản lý với tổn thất trên lưới điện hạ thế hơn 30%, ngành Điện đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào việc thay thế toàn bộ dây dẫn, cột điện, công tơ, hệ thống máy biến áp cung ứng điện đến các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình để từng bước nâng cao chất lượng điện năng. 
Điện lực Nam Định tăng cường đầu tư hệ thống điện nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành, kinh doanh. 
Năm 2021, hoạt động đầu tư vào hệ thống điện của tỉnh tiếp tục được triển khai khá hiệu quả, trong đó trên lưới điện 110kV, Công ty đã phối hợp triển khai 16 dự án trọng điểm, đến nay 3 dự án đã đóng điện đưa vào sử dụng như hệ thống đường dây kết nối thành phố Nam Định - huyện Mỹ Lộc - huyện Lý Nhân (Hà Nam); các Trạm biến áp 110kV Liễu Đề (Nghĩa Hưng), Trực Đại (Trực Ninh). Hiện Trạm biến áp 110kV Mỹ Trung (Mỹ Lộc) có chức năng bổ sung nguồn điện cho thành phố Nam Định, Khu công nghiệp Mỹ Trung đang từng bước được tháo gỡ khó khăn về mặt bằng. Công ty Điện lực Nam Định đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khởi công dự án vào đầu năm mới 2022... 
 
Trên lưới điện trung áp và hạ áp, năm 2021 Công ty Điện lực Nam Định đã khởi công 53 dự án, đến nay đã hoàn thành đóng điện 51 dự án; từ đó đưa vào vận hành tăng thêm 81 trạm biến áp, tổng công suất 24.660kVA; xây dựng mới và cải tạo 205km đường dây trung áp, 743km đường dây hạ áp; lắp đặt hàng chục máy cắt, tụ bù các loại; đưa 12/12 Trạm biến áp 110kV đạt tiêu chí vận hành không người trực; trang bị thêm 1 máy phát điện di động công suất lớn 630kVA để phục vụ các sự kiện chính trị trên địa bàn tỉnh. 
 
Ngành Điện đã hoàn thành đóng điện dự án đầu tư, cải tạo lưới điện thành phố Nam Định bằng ngồn vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức, tổng mức kinh phí hơn 100 tỷ đồng; trong đó xây dựng mới 32 trạm biến áp, 9 trạm cắt Recloser, cải tạo và xây dựng mới 7,2km đường dây trung áp, hơn 200km đường dây hạ áp trải rộng khắp địa bàn 25 phường, xã của thành phố. 
 
Đối với hệ thống điện nông thôn, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công ty Điện lực Nam Định tiếp tục đầu tư, nâng cao tiêu chí số 4 về điện trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, qua đó đã triển khai đóng điện 45 dự án, tổng kinh phí 505 tỷ đồng. Công tác xây dựng quy hoạch phát triển lưới điện luôn bám sát theo các quy hoạch phát triển của từng địa phương, phù hợp với định hướng của Trung ương và của tỉnh, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dài trải, gây lãng phí.
 
Cùng với hoạt động đầu tư, Công ty Điện lực Nam Định thường xuyên áp dụng các giải pháp kỹ thuật bằng cách kết nối khoa học, hợp lý, liền mạch từ hệ thống điện cao áp, trung áp đến hạ áp trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần giảm tổn thất điện năng. 
 
Đến nay, lưới điện cao áp cung ứng cho tỉnh được phân bổ đồng đều từ 3 Trạm biến áp 220kV: Ninh Bình, Nam Định, Trực Ninh. Lưới điện 110kV xây dựng phân bổ đồng đều ở các huyện, thành phố với 229,3km đường dây, 14 trạm, 24 máy biến áp, tổng công suất 1.001MVA. So với năm 2020, công suất máy biến áp 110kV tăng thêm 103MVA, tương đương với mức tăng 11,4%. Hệ thống lưới điện trung áp gồm 107 lộ đường dây, tổng chiều dài 2.589,19km. So với năm 2020, tăng thêm 8 xuất tuyến, khối lượng đường dây trung áp tăng thêm 88,22km, tương đương tăng 3,4%. Toàn tỉnh hiện có 4.192 trạm biến áp phân phối với 4.222 máy biến áp, tổng công suất 1.680.927MVA; trong đó tài sản của ngành điện là 49,3%, tài sản của khách hàng chiếm 50,7%. So với năm 2020, tổng công suất máy biến áp phân phối tăng thêm 95.096kVA, tương đương tăng 5,7%. Hệ thống đường dây hạ áp dẫn điện đến các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 14.494,28km. So với năm 2020, khối lượng quản lý vận hành đường dây hạ áp tăng thêm 407,43km, tương đương tăng thêm 2,81%. 
 
Song song với hoạt động đầu tư, giải pháp kỹ thuật, Công ty Điện lực Nam Định còn từng bước chuyên nghiệp hóa lĩnh vực quản lý đến người lao động; kịp thời thay thế công tơ kẹt, cháy, hỏng; tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong quản lý hành lang lưới điện, ngăn chặn tình trạng câu, móc trộm điện; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, số hóa đối với từng công đoạn quản lý, vận hành nhằm không ngừng giảm tổn thất điện năng. 
 
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, năm 2021 tổn thất điện năng trên lưới điện 110kV của tỉnh chỉ còn 0,92%; lưới điện trung áp 2,76%; lưới điện hạ áp 5,53%. Tính chung toàn tỉnh, tổn thất điện năng năm 2021 đã giảm xuống còn 6,31%, thấp hơn kế hoạch 0,62% và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước 0,92%, tạo hiệu quả tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2022, Công ty Điện lực Nam Định tiếp tục xây dựng, triển khai đề án giảm tổn thất điện năng, trong đó chú trọng phối hợp đồng bộ các lĩnh vực kinh doanh, giám sát mua bán điện, đầu tư xây dựng, quản lý kỹ thuật, vận hành, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra, góp phần nâng cao chất lượng cung ứng điện năng phục vụ nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
Theo: Báo Nam Định