Monday, 23/12/2024 | 18:05 GMT+7

Nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng tại Nhà máy Nước Giải Khát Việt Nam

21/04/2023

Duy trì hệ thống quản lý năng lượng - tăng cường quản lý nội vi là một trong những giải pháp tiết kiệm năng lượng tiêu biểu của Chi nhánh Công ty Cổ Phần Sữa Việt Nam – Nhà máy Nước Giải Khát Việt Nam.

Chi nhánh Công ty Cổ Phần Sữa Việt Nam - Nhà máy Nước Giải Khát Việt Nam là 1 trong 16 nhà máy của Công ty Cổ Phần Sữa Việt Nam (VINAMILK). Nhà máy được xây dựng từ tháng 8 năm 2009 và chính thức đi vào sản xuất từ tháng 6 năm 2010 trên tổng diện tích khoảng 40.000 m².
Trụ sở nhà máy tại Thxã Bến Cát, tnh Bình Dương.
Ngay từ khi đi vào hoạt động, nhà máy đã đặc biệt chú trọng đến các hoạt động tiết kiệm năng lượng hướng tới việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển bền vững. Theo đó, nhà máy đã ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại có suất tiêu hao năng lượng thấp, khả năng tiết kiệm năng lượng cao để giảm thiểu tác động môi trường nhằm nâng cao năng lực sản xuất và tiết kiệm năng lượng.
Cụ thể, nhà máy đã thực hiện thay thế và loại bỏ dần các bóng đèn cao áp (đèn chiếu sáng phân xưởng) bằng các bóng đèn LED. Việc thay thế này đem đến hiệu quả rất lớn cho nhà máy, không những tiết kiệm điện năng hàng tháng cho việc chiếu sáng, mà còn có tác động tích cực đến môi trường, giúp giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả. 
Bên cạnh đó, việc thiết kế khu vực xưởng sản xuất của nhà máy cao, thông thoáng cũng là giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả tại đây. Giải pháp này đã giúp tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, cũng như tận dụng gió trời để hỗ trợ cho việc làm mát không khí, cải thiện môi trường làm việc.
Mặt khác, nhà máy đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng nguồn nhiên liệu thân thiện môi trường đốt lò hơi như sử dụng khí CNG thay thế nguồn nhiên liệu FO/DO (năm 2014). Loại bỏ nguồn nhiên liệu chính FO đốt lò hơi trước đó; chuyển nguồn nhiên liệu DO sang là nhiên liệu dự phòng cho lò hơi.
Đồng thời, từ năm 2021, nhà máy đã chính thức sử dụng năng lượng tái tạo là điện mặt trời mái nhà trong hoạt động sản xuất kinh doanh để thay cho điện lưới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giúp tiết kiệm 1.029.752 kW điện (tương đương với 208 triệu đồng). Bên cạnh đó, triển khai dự án sử dụng nguồn nhiên liệu Biomass song song với sử khí CNG (loại bỏ nguồn nhiên liệu DO cho lò hơi), dự án này dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2023.
Việc triển khai áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy cho phép doanh nghiệp tiếp cận tất cả cơ hội tiết kiệm, bao gồm tiết kiệm năng lượng, nhiên – nguyên vật liệu. Đây cũng là điều kiện để nhà máy rà soát, hợp lý hoá và xây dựng các quy trình quản lý sản xuất nhằm từng bước giảm tiêu hao các nguồn năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, giảm thiểu các nguồn thải ra môi trường.
Các sản phẩm chủ lực của nhà máy
Song song với các giải pháp nêu trên, việc duy trì hệ thống quản lý năng lượng - tăng cường quản lý nội vi và bảo dưỡng thiết bị cũng là một giải pháp quan trọng, là điểm sáng để hỗ trợ việc thực hành tiết kiệm điện tại Chi nhánh Công ty Cổ Phần Sữa Việt Nam – Nhà máy Nước Giải Khát Việt Nam. Giải pháp này thực hiện thông qua công tác thống kê, báo cáo năng lượng tiêu thụ hàng ngày; thống kê, ghi chép và tính toán suất tiêu hao năng lượng cho từng lô sản xuất.
Việc thực hiện kiểm tra hàng ngày sẽ giúp phát hiện sự lãng phí chủ quan do con người, các điểm xì hở rò rỉ làm thất thoát, tiêu hao năng lượng. Từ đó, đánh giá hiệu suất của dây chuyền (OEE), phân tích nguyên nhân sự cố làm ảnh hưởng đến hiệu suất, để đưa ra hành động khắc phục phòng ngừa, kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị phù hợp để tăng hiệu suất dây chuyền và tiết kiệm năng lượng.
Song song công tác giám sát vận hành, đội ngũ quản lý năng lượng thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo nâng cao ý thức, kiến thức tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường cho các bộ công nhân viên trong nhà máy. Đồng thời, khuyến khích các ý tưởng cải tiến tại bộ phận nhằm tối ưu quy trình, tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất; Kiểm tra định kỳ, thay thế các thiết bị đo lường nhằm phát hiện kịp thời những bất thường trên hệ thống.
Ông Phạm Hoàng Hải, giám đốc kỹ thuật của nhà máy cho biết: “Việc tăng cường các hoạt động quản lý nội vi và bảo dưỡng thiết bị có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Triển khai các hoạt động này thường tốn chi phí không lớn nhưng mang lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng khá cao và dài hạn. Giải pháp  này đã giúp chúng tôi giúp tiết kiệm năng lượng từ 1,5% (năm 2018) lên đến 4,6% (năm 2021).
Năm 2022, Chi nhánh Công ty Cổ Phần Sữa Việt Nam – Nhà máy Nước Giải Khát Việt Nam đã được Bộ Công Thương và Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) trao tặng giải thưởng “Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2022”.
Giải thưởng này được tổ chức lần đầu tiên năm 2017. Tính đến nay, giải thưởng đã thu hút sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp với gần 500 giải pháp tiết kiệm năng lượng tiêu biểu được vinh danh. 
Minh Khuê