Friday, 27/12/2024 | 17:46 GMT+7

Phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023

22/05/2023

Ngày 22/5/2023, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 nhằm cung cấp, cập nhật thông tin về tình hình cung ứng điện và phát động phong trào tiết kiệm điện trên toàn quốc.

Tham gia Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Lãnh đạo UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các công ty điện lực, các khách hàng sử dụng điện lớn. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Toàn cảnh hội nghị.
Trong thời gian qua, thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng do cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế diễn ra gay gắt làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, trong đó có nguồn cung về năng lượng sơ cấp; giá nhiên liệu (như dầu, khí, than) tăng cao, gây ra những tác động to lớn đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo các Tập đoàn năng lượng (EVN, PVN, TKV) và các doanh nghiệp ngành điện thực thi quyết liệt nhiều giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện an toàn, liên tục và tin cậy, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân; đồng thời, Bộ cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và Chương trình tiết kiệm điện theo tinh thần Chỉ thị số 20 ngày 07/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần bảo đảm cung cấp đủ điện, duy trì ổn định an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường năng lượng thế giới diễn biến rất phức tạp, giá năng lượng tiếp tục bị đẩy lên mức cao; tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài, làm cho lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước, ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện (các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tiếp tục có nước về kém, tính đến ngày 11/5/2023, khu vực miền Bắc tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua. Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm (TBNN), một số hồ chỉ đạt 20% so với TBNN, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện). Bên cạnh đó, công suất và sản lượng của các nhà máy điện gió cũng suy giảm sâu do gió kém nên chỉ đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy. Đặc biệt, từ cuối tháng Tư đến nay, thời tiết nắng nóng diễn ra khắc nghiệt trên diện rộng với nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc tăng cao, đặc biệt là nhu cầu sử dụng điện của khách hàng dân dụng (Phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia ngày 19/5 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục mới ~924 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 10,5% so với cùng kỳ tháng 05/2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.600 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 8,5% so với cùng kỳ tháng 05/2022), gây nguy cơ thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng nếu không có những giải pháp kịp thời, quyết liệt hơn; trong đó, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả được xem là một trong những giải pháp quan trọng, cấp bách, góp phần bảo đảm đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội thời gian tới.
​'
"Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và Chương trình tiết kiệm điện" - Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 185/TB-VPCP ngày 19/5/2023 về bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023; Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và tin cậy trong mùa khô và cả năm 2023, Bộ Công Thương kêu gọi và đề nghị các bộ, ngành Trung ương có liên quan, các địa phương và yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, liên tục, bằng nhiều hình thức phù hợp về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng. 
Các cơ quan báo chí truyền thông chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan và các địa phương để tăng thời lượng phát sóng, mở các chuyên trang, chuyên mục và tổ chức các cuộc tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu về các quy định, chính sách của Nhà nước liên quan đến sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; về tình hình khó khăn trong cung ứng điện hiện nay do diễn biến thời tiết phức tạp và cung ứng nhiên liệu khó khăn; phổ biến các lợi ích và biện pháp, cách thức tiết kiệm điện... để người dân và dư luận xã hội hiểu rõ, hiểu đúng, đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ khó khăn và tự giác thực hành tiết kiệm điện. 
Thứ hai, khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc biểu đồ sử dụng điện của từng ngành, lĩnh vực, nhất là các hộ sử dụng điện lớn. Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Văn bản số 185 ngày 19/5/2023 về bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chỉ thị số 20 ngày 07/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn đến năm 2030, trong đó đặc biệt chú trọng tới hoạt động điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại; phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu tiết kiệm điện đã đề ra.
"Bộ Công Thương đặt mục tiêu trong giai đoạn 2023-2025, phấn đấu hằng năm, toàn quốc tiết kiệm tối thiểu từ 2,0% tổng điện năng tiêu thụ quốc gia" - Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ Trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Bộ Công Thương.
Thứ ba, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ dân phố, khu dân cư để hướng dẫn trực tiếp cho người dân về các giải pháp, cách thức tiết kiệm điện. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời, tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm điện.
Về lâu dài, cần chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng cho đơn vị sản phẩm của ngành/tiểu ngành và tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành các quy định, cơ chế, chính sách có liên quan, bảo đảm đồng bộ, đủ mạnh và khả thi để thúc đẩy, khuyến khích sử dụng năng lượng, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; đặc biệt chú trọng đẩy nhanh tiến độ sửa đổi luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và xây dựng, triển khai các chương trình khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà trong doanh nghiệp và hộ gia đình theo phương thức “tự sản, tự tiêu” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc giảm cường độ năng lượng của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 và Tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng.
Bộ Công Thương cũng kêu gọi và trân trọng đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các hộ gia đình và mọi tầng lớp nhân dân trên toàn quốc hãy đồng tình ủng hộ, chung tay chia sẻ khó khăn với ngành Điện, tăng cường thực hiện đồng bộ, triệt để các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn mùa khô (nhất là thời điểm từ nay đến ngày 30/6/2023). Theo đó, đề nghị các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế huy động các thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm, đồng thời chú trọng lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo sử dụng tại chỗ để giảm tiêu thụ điện từ lưới điện quốc gia; các hộ gia đình và người dân thường xuyên thực hành thói quen sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, như: Tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, thay thế, sử dụng các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm điện; hạn chế sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn trong các giờ cao điểm…; cùng nhau lan tỏa thông điệp “Tiết kiệm điện, thành thói quen” đóng góp vào sự ổn định và bền vững của hệ thống điện quốc gia.
Ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam kêu gọi tất cả các khách hàng dùng điện hưởng ứng ý nghĩa của phong trào tiết kiệm điện, cùng nhau lan tỏa thông điệp “Tiết kiệm điện, thành thói quen” đóng góp vào sự ổn định và bền vững của hệ thống điện quốc gia. 
Hưởng ứng phát động của Bộ Công Thương về tiết kiệm điện, đại diện Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đại diện hộ tiêu thụ điện lớn (Công ty Xi Măng Long Sơn và Công ty Chiếu sáng đô thị Hà Nội) đã phát biểu hưởng ứng; trong đó thống nhất, đề cao chủ trương của Chính phủ và phát động của Bộ Công Thương về sự cần thiết phải tiết kiệm điện; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong việc triển khai thực hiện các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả tại địa phương, đơn vị mình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07/5/2020 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025 và Văn bản số 185/TB-VPCP ngày 19/5/2023 về bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023.
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động tiết kiệm điện năm 2023.
Cũng tại Hội nghị, Bộ Công Thương đã tổ chức Nghi thức phát động phong trào tiết kiệm điện năm 2023 thể hiện sự chung tay của các Bộ, ngành, người dân, cộng đồng, doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, hướng tới một tương lai xanh và phát triển bền vững.
- Thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2013 và Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, Bộ Công Thương đặt mục tiêu trong giai đoạn 2023-2025, phấn đấu hằng năm, toàn quốc tiết kiệm tối thiểu từ 2,0% tổng điện năng tiêu thụ quốc gia; Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; Giảm công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp diễn đến cuối mùa cạn năm 2023. Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Trung Bộ được dự báo thấp hơn từ 15-35%, khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 15-40%, khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 10-25% so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn sẽ diễn ra nghiêm trọng.
- Các biện pháp về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả của Tập đoàn Điện lực Việt Nam:
+ Tập đoàn đã chỉ đạo toàn bộ đơn vị thành viên trực thuộc áp dụng mọi giải pháp để tiết kiệm điện tối thiểu là 10% (so với cùng kỳ) và 15% (so với cùng kỳ) đối với các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, 6, 7/2023). Chỉ đạo các TCTĐL/CTĐL đẩy mạnh truyền thông sâu rộng tới tất cả các khách hàng dùng điện về tình hình cung ứng điện và các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.  
+ Tập đoàn đã gửi văn bản tới các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, kiến nghị các giải pháp đảm bảo cung ứng điện trên địa bàn. Đến ngày 21/5/2022 đã có 11 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo đảm bảo cung ứng điện, tiết kiệm điện trên địa bàn, bao gồm: Tp. Hà Nội, Tp. HCM, Tp. Đà Nẵng, UBND Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Đăk Nông, Long An, Đồng Nai, Lâm Đồng.
Anh Thư