Friday, 22/11/2024 | 18:22 GMT+7

Sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm điện – Giải pháp thiết thực để “xanh hóa” công nghiệp

27/09/2023

Doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm tại Đà Nẵng chủ động có giải pháp tiết kiệm điện. Nhiều doanh nghiệp nhỏ, vừa đầu tư năng lượng tái tạo cho sản xuất.

Theo chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), một trong những tiêu chí quan trọng của nền “công nghiệp xanh” đó là phát triển nguồn năng lượng mới, sạch vào sản xuất.
Để thực hiện các tiêu chí này, các doanh nghiệp cần có quy trình sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên (điện gió, điện mặt trời).
Tại TP. Đà Nẵng, bước đầu doanh nghiệp đã ý thức, chủ động trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; bên cạnh đó, đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (điện mặt trời để phục vụ nhu cầu năng lượng cho chính sản xuất của doanh nghiệp).
Công nghiệp xanh - Nhìn từ các doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng trọng điểm
Thành phố Đà Nẵng hiện có 51 đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm (mức tiêu thụ năng lượng trên 1.000 TOE), cùng hàng trăm doanh nghiệp có mức tiêu thụ điện năng lớn (từ 200 TOE) trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp sản xuất.
Các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn TP. Đà Nẵng đều chủ động có biện pháp để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả
Đặc thù các doanh nghiệp này đều có quy mô lớn, nhiều đơn vị là doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm cũng được các đơn vị chủ động thực hiện.
Bà Trần Tường Anh – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Hòa Thọ (quận Cẩm Lệ) cho biết, "xanh hóa" đang là xu hướng bắt buộc đối với ngành dệt may, nhất là doanh nghiệp dệt may xuất khẩu. Doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp thay đổi công nghệ, chuyển đổi xanh để tiết kiệm năng lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn của các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường khó tính. Theo bà Tường Anh “tiết kiệm năng lượng tối đa là một trong những giải pháp cụ thể, thiết thực nhất trong “xanh hóa” sản xuất”.
Để tiết kiệm điện, doanh nghiệp ngoài đầu tư máy móc tiên tiến, có hiệu suất tiêu hao năng lượng thấp, dán nhãn năng lượng xanh; thì đơn vị còn đầu tư điện năng lượng mặt trời mái nhà để bổ sung nguồn điện cho sản xuất; đầu tư công nghệ để giảm tổn thất điện năng.
Ngoài tiết kiệm điện, doanh nghiệp cũng đầu tư vào công nghệ xử lý để tiết kiệm nguồn nhiên liệu đốt, giảm phát thải CO2 ra môi trường mà vẫn đảm bảo hiệu quả sản xuất. Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, cụ thể như đối với than đá đã giảm từ 21,5 tấn năm 2020 xuống chỉ còn 15 tấn năm 2022. “Năm 2023, Hòa Thọ phấn đấu giảm 3 – 5% lượng nhiên liệu trong vận hành lò hơi thông qua các giải pháp như thu hồi tối đa nước lưu trong lò hơi trong hệ thống hơi của các nhà máy may, giảm tiêu hao nguyên liệu, tận dụng nhiệt thừa vào phục vụ nhà ăn để giảm tiêu thụ ga; tăng cường áp dụng các nghiên cứu mới vào thực tiễn nhằm cải thiện hiệu suất các thiết bị thoát hơi…”, bà Tường Anh nói.
Ngoài ra, còn một số giải pháp để giảm phát thải CO2 như đầu tư hệ thống tái sử dụng nước thải sinh hoạt sau xử lý, sử dụng vật liệu tái chế và sản xuất sản phẩm dệt may có thể tái chế làm giảm tác động đến môi trường; tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp từ sản xuất, tăng cây xanh trong khu vực nhà máy….
Tương tự, tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng (KCN Liên Chiểu, quận Liên Chiểu) - đơn vị có mức tiêu thụ năng lượng hơn 10.000 TOE/năm, đại diện công ty cho biết đơn vị đã đầu tư máy móc công nghệ liên tục để chuyển đổi tất cả các động cơ công suất lớn sang động cơ hiệu suất cao, có dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, công ty còn đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà để chủ động một phần năng lượng cho sản xuất. Hiện sản lượng điện mặt trời đang đáp ứng khoảng 35% tổng điện năng công ty sử dụng, con số này có thể tăng lên đến 50% trong những năm tới.
Sử dụng năng lượng mặt trời để làm máy sấy dược liệu của một đơn vị sản xuất trên địa bàn TP. Đà Nẵng
Doanh nghiệp nhỏ và vừa lắp đặt điện mặt trời để chủ động nguồn điện cho sản xuất
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và Bộ Công Thương có thông tư hướng dẫn phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời, Công ty TNHH Sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) đã ngay lập tức đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất gần 500 kW để phục vụ sản xuất. “Với công suất này, lượng điện năng sản xuất từ điện mặt trời không những đáp ứng 100% năng lượng cần thiết phục vụ sản xuất mà có thời điểm chúng tôi còn phát ngược lên lưới điện bán cho EVN”, ông Nguyễn Thanh Phước – Giám đốc Công ty cho hay.
Theo ông Phước, việc lắp đặt điện mặt trời đang mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Trong đó, rõ nét nhất là điện không phải mua điện phục vụ cho sản xuất (trừ thời điểm mưa bão lớn mới phải mua), tiết giảm được rất nhiều chi phí về năng lượng.
Tương tự, tại công ty CP Cơ khí Đường sắt Đà Nẵng (quận Thanh Khê) cũng lắp đặt điện mặt trời để chủ động nguồn cung điện cho sản xuất. Ông Nguyễn Doãn Đông – Giám đốc Công ty cho biết, tổng nhu cầu năng lượng cần để phục cho sản xuất của doanh nghiệp ở khoảng hơn 110 TOE/năm. “Với công suất điện mặt trời lắp đặt 781 kW đã đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ sản xuất của doanh nghiệp”, ông Đông cho hay và thông tin thêm, không chỉ sử dụng điện năng lượng mặt trời, đơn vị còn liên tục đầu tư máy móc thiết bị,công nghệ để nâng cao hiệu suất sản xuất, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu.
Nhà xưởng Công ty Điện Trường Giang thiết kế lấy sáng và lấy gió tự nhiên, giảm tiêu thụ điện khi sản xuất ban ngày
Cùng với chủ động nguồn cung năng lượng cho sản xuất, nhiều doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp nhỏ tại Đà Nẵng đã hướng tới phát triển xanh, bền vững thông qua việc xây dựng nhà xưởng đón gió, lấy sáng tự nhiên để giảm tiêu thụ năng lượng.
“Hướng tới sản xuất xanh, nhà xưởng của chúng tôi được thiết kế lấy sáng tự nhiên ban ngày. Cùng với đó, khuôn viên công ty, nhà máy trồng nhiều cây xanh để vừa đảm bảo môi trường làm việc thông thoáng, sạch sẽ cho người lao động, vừa tăng diện tích xanh cho nhà máy”, Đại diện Công ty Cơ khí Đường sắt Đà Nẵng nói.
Cũng chung ý tưởng, tại nhà máy sản xuất của Công ty CP Điện Trường Giang (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) ngay từ ban đầu xây dựng, công ty đã thiết kế cửa gió tự động để lấy gió tự nhiên; nhiều cửa lấy ánh sáng tự nhiên để giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng khi sản xuất ban ngày. “Ngoài ra, trong sản xuất, doanh nghiệp sắp xếp thời điểm máy chạy cho hợp lý, đổi mới máy móc công nghệ thường xuyên để đạt hiệu suất sản xuất cao nhất nhưng giảm tiêu hao điện nhất”, ông Phan Đức Hùng – Giám đốc nhà máy cho hay.
“Doanh nghiệp chúng tôi sản xuất hệ thống thông gió nên trong sản xuất chúng tôi ứng dụng tối đa hệ thống thông gió để tạo môi trường thoáng mát, sạch sẽ cho người lao động. Vì vậy, tỷ lệ người lao động bị bệnh liên quan đến quá trình sản xuất không xảy ra”, ông Phạm Văn Bình - Đại diện Công ty TNHH Khả Tâm (Khu Công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) thông tin.

Trao giải thưởng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho các doanh nghiệp Đà Nẵng năm 2023
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng:
Trong 2 năm 2022 và 2023, Đà Nẵng đã tổ chức 2 lần giải thưởng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trên địa bàn thành phố để kịp thời tôn vinh, nhân rộng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong các doanh nghiệp, trước mắt là các doanh nghiệp sử dụng điện trọng điểm, doanh nghiệp có lượng điện năng tiêu thụ phục vụ sản xuất lớn.
Ngoài ra, Sở thường xuyên tổ chức hỗ trợ nhiều lượt doanh nghiệp nâng cao năng lực trong quản lý năng lượng, tư vấn các giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất; tổ chức tập huấn tuân thủ mức tiêu hao năng lượng cho các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp tiêu hao nhiều năng lượng.
Đến hết năm 2020, Điện lực Đà Nẵng đã thực hiện đấu nối cho 2.529 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt đạt 81,49 MWp. Toàn bộ các hệ thống điện mặt trời có công suất lắp đặt nhỏ hơn hoặc bằng 1 MW, chủ yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất (tự sản, tự tiêu), và phần còn dư phát lên lưới điện và bán cho PC Đà Nẵng.
Theo Kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trên địa bàn TP. Đà Nẵng giai đoạn 2020 – 2030 (Quyết định 4949/QĐ-UBND của UBND TP. Đà Nẵng tháng 12/2020), thành phố đặt mục tiêu:
Đến năm 2025 đạt mức tiết kiệm năng lượng tối thiểu 5% so với dự báo tổng tiêu thụ năng lượng toàn thành phố trong giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó:
+ Lĩnh vực công nghiệp tiết kiệm tối thiểu 6,92% so với dự báo tổng tiêu thụ toàn ngành.
+ Đạt 70% khu công nghiệp và 50% cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
+ 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định.
Đến năm 2030: Đạt mức tiết kiệm năng lượng tối thiểu 7% so với dự báo tổng tiêu thụ toàn thành phố giai đoạn 2020 – 2030. Trong đó:
+ Lĩnh vực công nghiệp tiết kiệm tối thiểu 10,15% tổng tiêu thụ năng lượng toàn ngành trong giai đoạn 2020 – 2030.
+ Đạt 90% khu công nghiệp và 70% cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
+100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định.
Theo: Báo Công Thương