Friday, 27/12/2024 | 04:15 GMT+7
Dưới sự chủ trì của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Diễn đàn về năng lượng sạch tại châu Á (ACEF) đã chính thức khai mạc ngày 21/6 nhằm mở ra các cuộc thảo luận về chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tài chính trong các lĩnh vực như hiệu quả của năng lượng, năng lượng tái tạo, khả năng tiếp cận với năng lượng đối với người nghèo và vấn đề biến đổi khí hậu.
“Để đối phó hiệu quả với hiện tượng biến đổi khí hậu, chúng ta cần cam kết tăng cường áp dụng các công nghệ có khả năng đáp ứng tốt những nhu cầu mới của các quốc gia đang phát triển” - Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda tuyên bố cho biết - “Quan điểm của ADB trong khu vực là đưa ra một chiến lược thuận lợi trong việc thông qua và phát triển nguồn năng lượng sạch trên khắp châu Á và Thái Bình Dương”.
“Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang có tiềm năng lớn đối với quá trình phát triển năng lượng sạch và bên cạnh đó cũng có nhu cầu cao về chuyển giao sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn nữa”, ông Olivier Carduner, Giám đốc văn phòng phát triển khu vực của USAID tại châu Á cho biết.
Cũng tại Diễn đàn lần này, Ngân hàng Phát triển châu Á đã công bố một chuỗi các sáng kiến nhằm giảm thiểu những rào cản như giá cả, chi phí hay các vấn đề chính trị ngăn cản việc thông qua các chương trình áp dụng công nghệ thải ít khí các-bon và năng lượng sạch tại châu Á – Thái Bình Dương.
Cuối năm 2009, Văn phòng Đại diện ADB tại Hà Nội đã cho biết ADB sẽ tăng gấp đôi khoản đầu tư cho năng lượng sạch, từ mức 1 tỷ USD/năm trước đây lên 2 tỷ USD/năm nhằm thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế ít phát thải khí các-bon và giảm lượng khí nhà kính thải ra trong khu vực.
Mục tiêu đầu tư mới là một phần trong Sáng kiến Sử dụng hiệu quả Năng lượng (EEI) của ADB, sẽ có hiệu lực từ năm 2013 và sẽ bổ sung thêm cho các khoản đầu tư vào năng lượng sạch hiện đã tương đối lớn của ADB.
Năm 2008, ADB đã đạt mục tiêu đầu tư 1 tỷ USD/năm nêu trong Sáng kiến Sử dụng hiệu quả Năng lượng được đưa ra vào 4 năm trước.
Thuý Hằng