Saturday, 23/11/2024 | 03:52 GMT+7

Hiệu quả từ chương trình tiết kiệm năng lượng tại Đà Nẵng

16/07/2010

Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2007-2010” mục tiêu là tiết kiệm trên 1500 TOE, thực hiện được ít nhất 35 dự án TKNL, giảm phát thải khoảng 14,6 nghìn tấn khí CO2. Kiểm toán năng lượng tại 9 đơn doanh nghiệp cho thấy tiềm năng tiết kiệm lên tới 2,1 tỷ đồng mỗi năm.

Với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình 12,67%, hoạt động thương mại tiếp tục tăng trưởng nhanh, Đà Nẵng được đánh giá là địa bàn có mức tiêu thụ năng lượng lớn, tập trung nhiều doanh nghiệp trọng điểm. Để giảm chi phí sản xuất, chi phí năng lượng, Đà Nẵng đã sớm tham gia các chương trình dự án tiết kiệm năng lượng (TKNL), bước đầu đạt hiệu quả.

 

Thống kê từ phía Sở Công Thương Thành phố Đà Nẵng cho thấy, tổng sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn thành phố hàng năm khoảng 800 triệu Kwh trong đó điện thương phẩm sản xuất kinh doanh trên 700 triệu Kwh. Ngoài ra, lượng dầu DO, FO sử dụng trong công nghiệp trên địa bàn thành phố cũng tăng đều qua các năm.


 tam thu n_ng luong MT tai khach san Royal.jpg


Với lượng tiêu thụ đáng kể, tiềm năng TKNL tại Đà Nẵng là rất lớn đặc biệt ở khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Hiệu quả từ dự án

 

Trước khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tại Đà Nẵng hầu hết các doanh nghiệp sử dụng năng lượng không hiệu quả. Các nhà tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp và trong sinh hoạt không nhận thức được những khoản tiết kiệm lớn từ việc sử dụng năng lượng hiệu quả mang lại.

 

Tự chương trình đầu tiên là dự án TKNL do Bộ Khoa học &Công Nghệ chủ trì, đến nay Đà Nẵng đã tham gia tích cực nhiều chương trình, dự án lớn góp phần thực hiện sử dụng năng lượng hiệu quả trên địa bàn.

 

Với nhiều hoạt động như hội thảo, tập huấn, kiểm toán năng lượng, triển khai các giải pháp TKNL cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, khách sạn cho đến nay ý thức sử dụng hiệu quả năng lượng đã trở lên phổ  biến.

 

Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2007-2010” mục tiêu là tiết kiệm trên 1500 TOE, thực hiện được ít nhất 35 dự án TKNL, giảm phá thải khoảng 14,6 nghìn tấn khí CO2. Cho đến nay, khi dự án đang ở giai đoạn gấp rút, các mục tiêu trên chủ yếu đã hoàn thành.

 

Trong khuôn khổ dự án, kiểm toán năng lượng tại 9 đơn doanh nghiệp cho thấy tiềm năng tiết kiệm lên tới 2,1 tỷ đồng mỗi năm. Dự án đã tạo nên cú “hích” đáng kể để nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố bắt tay vào việc sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả. Chính kết quả thực tế tại 41 doanh nghiệp thuộc 5 nhóm ngành nghề, bao gồm sản xuất giấy và nguyên liệu giấy, chế biến thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất gốm sứ, dệt, nhuộm và may; và cả trăm doanh nghiệp được tập huấn về sử dụng điện năng hiệu quả đã giúp nhiều doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc áp dụng những biện pháp sử dụng điện tiết kiệm tại doanh nghiệp mình.

 

Bên cạnh các hoạt động về TKNL trong doanh nghiệp, Đà Nẵng còn tập trung triển khai các biện pháp TKNL tại khách sạn, chiếu sáng công cộng và chiếu sáng học đường.

 

Tại khách sạn Royal, với đặc trưng của ngành dịch vụ sử dụng rất nhiều thiết bị điện như hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí, máy điều hòa nhiệt độ…, lượng điện năng tiêu thụ luôn rất cao. Ông Trần Ngọc Phương, Giám đốc khách sạn cho biết trước đây mỗi tháng khách sạn phải trả 40 - 50 triệu đồng tiền điện. Kể từ khi áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng như thay thế các loại bóng đèn 40W bằng loại 8W, lắp pin thu năng lượng mặt trời cho hệ thống nước nóng…mặc dù số phòng khách sạn đã tăng gấp đôi lên 60 phòng, xây dựng thêm 5 căn hộ, vũ trường và một trung tâm mát-xa gần 30 phòng, nhưng tiền điện mà khách sạn phải trả cũng chỉ bằng con số 50 triệu đồng/tháng như trước đây.


 bep NLMT su dung pho bien.jpg


Chỉ khảo sát riêng tại con hẻm 36 Lê Duẩn, với việc thay thế các bộ đèn cao áp, đèn dây tóc truyền thống có công suất từ 160W, 300W bằng hệ thống bóng đèn TKNL của Điện Quang công suất 40W đã đem về lợi ích tiết kiệm khoảng 5 triệu đồng/năm.

 

Nhiều sáng kiến hay

 

Không chỉ có các doanh nghiệp trực tiếp tham gia được hưởng lợi từ Chương trình TKNL. Chính từ những biện pháp sử dụng hiệu quả năng lượng cụ thể đã được áp dụng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã tự học hỏi và áp dụng vào thực tiễn.

 

Cơ sở may gia công Thành Đạt sau khi tham quan tại Công ty Dệt may 29-3 đã phát hiện rất nhiều công đoạn sản xuất của cơ sở mình lâu nay sử dụng điện năng không hợp lý. Chỉ riêng việc thay đổi hệ thống chiếu sáng đã làm lợi mỗi tháng gần 2 triệu đồng. Cụ thể, đã thay toàn bộ bóng đèn huỳnh quang bằng đèn tiết kiệm điện Halogen, đồng thời hạ độ cao bóng đèn từ sát trần nhà xuống thấp hơn 1,2 mét nhờ vậy giảm được hơn 1/3 số lượng bóng đèn, nhưng độ chiếu sáng tốt hơn trước rất nhiều.

 

Đặc biệt, xu hướng chung hiện nay tại Đà Nẵng là phong trào sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời. Không chỉ ở quy mô gia đình, bình nước nóng năng lượng mặt trời còn được áp dụng phổ biến tại các khách sạn, doanh nghiệp.

 

Các công trình khách sạn đang thi công đều yêu cầu sử dụng cầu dao ngắt điện gắn với chìa khóa phòng. Được biết, Vì loại khóa-cầu dao này hoạt động với nguyên lý khi khách rời phòng (khóa cửa lại) cũng có nghĩa là toàn bộ hệ thống điện trong phòng bị ngắt, nên tránh được tình trạng khi khách đi ra ngoài mà các thiết bị điện như máy lạnh, điện chiếu sáng… vẫn hoạt động.

 

Chỉ là những sáng kiến nhỏ, những biện pháp đơn giản song trong tình hình khan hiếm điện như hiện nay đó lại như là những “điểm sáng”, những điển hình cần nhân rộng góp phần tuyên truyền mạnh mẽ ý thức tiết kiệm năng lượng trong mọi tầng lớp nhân dân.

 

Trần Linh