Friday, 15/11/2024 | 11:12 GMT+7
Thông qua kiểm toán năng lượng nhiều doanh nghiệp tại Cần Thơ
đã khai thác được nhiều tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL), đem lại hiệu quả
to lớn về kinh tế và môi trường đồng thời góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho
doanh nghiệp.
Trung tâm TKNL Cần Thơ cho biết, sau 6 tháng triển khai thực
hiện các dự án và các chương trình TKNL, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố
đã có sự thay đổi về nhận thức và tích cực tham gia thực hiện các biện pháp nhằm
TKNL. Từ đầu năm đến nay, TP Cần Thơ đã tiết kiệm được một lượng điện năng trên
9,5 triệu Kwh.
Kết quả khảo sát cho thấy, tiềm năng TKNL trong ngành
chế biến thủy sản là 15,58%, tương đương với 15,4 triệu kWh/năm, ngành chế biến
gạo là là 8,5%, tương đương với khoảng 145 nghìn kWh/năm và ngành dệt may là
1,3%, tức trên 38 nghìn kWh/năm.
Là doanh nghiệp chuyên chế biến thủy sản, mỗi năm dây chuyền
sản xuất của công ty TNHH Ấn Độ Dương (Quận Thốt Nốt) tiêu tốn nhiều dạng năng lượng
bao gồm 19,7 triệu Kwh điện, 12,6 nghìn lít dầu DO, trên 140 tấn than và khoảng
540 nghìn m3 nước.
Tổng chi phí năng lượng doanh nghiệp phải trả khoảng 20 tỷ đồng/năm
2009. Tham gia vào chương trình kiểm toán năng lượng doanh nghiệp đã nhận thấy tiềm
năng tiết kiệm chi phí trên 2,4 tỷ đồng/năm thông qua các giải pháp như thiết lập
hệ thống quản lý năng lượng, lắp biến
tần điều khiển hệ thống cấp nước, cải tạo hệ thống chiếu sáng.
Tại Công ty CP may Tây Đô (Khu CN Trà Nóc, Quận Bình Thủy) mặc
dù dây chuyền sản xuất và trang thiết bị được cải tiến khá tốt (với 80% máy may
điện tử) song trên thực tế năng lượng bị thất thoát nhiều. Trong 3 năm qua (từ 2007
đến 2009) Công ty đã đầu tư khoảng 1.000 máy may công nghiệp thế hệ mới nhập khẩu
từ Đức, Trung Quốc và Nhật Bản với trị giá gần 20 tỉ đồng. Riêng trong 6 tháng
đầu năm 2010, công ty đã tiếp tục đầu từ thêm 120 máy. Đây là dạng máy dầu khô
với các ưu điểm như đường may đẹp, không dính dầu trên sản phẩm, tiết kiệm điện,
năng suất tăng 20-30% so với các loại máy thông thường.
Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty cho biết trung bình mỗi
tháng doanh nghiệp tiêu thụ hết khoảng 80 nghìn Kwh tương đương 87 triệu
đồng. Việc giảm chi phí điện năng đồng nghĩa với việc giảm chi phí sản xuất,
tăng lợi nhuận vì vậy doanh nghiệp rất hưởng ứng.
“Để hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong việc
sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tới đây Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh
công tác tuyên truyền, phổ biến và giới thiệu các cách làm, các mô hình và
thiết bị, công nghệ TKNL hiệu quả. Qua đó, giúp cho các tổ chức, cá nhân thấy
việc thực hiện TKNL là không quá khó, mọi cơ quan, doanh nghiệp có thể dễ
dàng thực hiện nó với một mức độ và hiệu quả nhất định tùy theo điều kiện từng
nơi Thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết
kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011-2015, TP Cần Thơ sẽ áp dụng mô hình quản lý
năng lượng đối với 25 doanh nghiệp”. Ông Trần Quốc Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm
TKNL Cần Thơ |
Kết quả, sau khi thực hiện kiểm toán năng lượng, nhóm chuyên
viên thuộc Trung tâm TKNL Cần Thơ nhận định thực hiện đầy đủ các giải pháp đề xuất
mỗi năm Công ty CP may Tây Đô sẽ tiết kiệm được khoảng 417 triệu đồng. Các giải
pháp nhìn chung đều có vốn đầu tư thấp, thời gian hoàn vốn nhanh. Cụ thể, giải
pháp thu hồi nhiệt khói thải mang về lợi ích tiết kiệm 40 triệu/năm, thời gian
thu hồi vốn 1,2 năm. Giải pháp sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu quả có thể tiết
kiệm 324 nghìn Kwh/năm tương đương 324 triệu đồng với thời gian hoàn vốn sau 8
tháng.
Công ty THHH Xuất Nhập Khẩu thủy sản Cần Thơ cũng mạnh dạn tiên
phong thực hiện kiểm toán năng lượng bước đầu triển khai Chương trình TKNL. Kết
quả kiểm toán cho thấy tiềm năng tiết kiệm điện tại đây khoảng 210 triệu đồng/năm.
Triển khai thực hiện cả 4 giải pháp theo đề xuất doanh nghiệp tiết kiệm khoảng
177 nghìn KWh/năm đồng thời giảm được 110 tấn C02 ra môi trường mỗi năm.
Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm
đến vấn đề TKNL. Đã có trên 50 doanh nghiệp thường xuyên tham gia các hoạt động
do Trung tâm TKNL Cần Thơ tổ chức như hội thảo, tập huấn, kiểm toán năng lượng.
Trung tâm đã tiến hành khảo sát 31 doanh nghiệp và đưa vào bộ cơ sở dữ liệu bao
gồm 15 doanh nghiệp thuộc phân ngành chế biến thủy sản, 13 doanh nghiệp thuộc phân
ngành chế biến gạo và 3 doanh nghiệp ngành dệt may. Ngay sau khi thực hiện kiểm
toán năng lượng, bước đầu các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư cải tiến dây chuyền,
thay đổi công nghệ.
Bên cạnh nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia triển khai các
dự án TKNL, theo Trung tâm TKNL TP Cần Thơ, thời gian qua do còn thiếu thông tin
nên nhiều cơ quan, doanh nghiệp gặp khó trong việc lựa chọn các cách làm, mô
hình và công nghệ. Mặt khác, việc đầu tư các thiết bị và công nghệ mới phục vụ
cho TKNL thường đòi hỏi chi phí cao nên nhiều đơn vị, doanh nghiệp còn e ngại.
Trần Liễu