Friday, 08/11/2024 | 14:05 GMT+7
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa giới thiệu quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với tham vọng đưa Ninh
Thuận trở thành trung tâm năng lượng quốc gia và nằm trong nhóm 20 tỉnh giàu của
Việt Nam.
Quy hoạch tổng thể được lập với sự tư vấn của Tập đoàn Monitor (Mỹ) và Arup (Vương quốc Anh).
Ông Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận là một tỉnh nghèo, nên muốn đi lên phải có sự đột phá. “Chính vì vậy, chúng tôi đã đề xuất Chính phủ cho phép Ninh Thuận thuê tư vấn nước ngoài làm quy hoạch phát triển. Chúng tôi tin rằng, trong 10 năm tới, để đưa Ninh Thuận từ một tỉnh nghèo thành một trong 20 tỉnh giàu là mục tiêu có thể thực hiện được. Chúng tôi đã và đang hành động rất quyết liệt để đạt được mục tiêu này, trong đó có việc thành lập ra Văn phòng Phát triển kinh tế tỉnh, tạo cơ chế một cửa, rút ngắn những quy trình thủ tục hành chính phiền hà, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư”, ông Dũng cam kết.
Về mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng của cả nước, ông Dũng cho biết, Nhà nước đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận với quy mô công suất 4.000 MW, nhà máy thứ nhất sẽ được khởi công vào năm 2014 và vận hành thương mại vào năm 2020. Ngoài ra, Ninh Thuận cũng xúc tiến thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời với tổng công suất từ 1.500 đến 2.000 MW, từng bước hình thành vùng trọng điểm năng lượng sạch của quốc gia. Phát triển loại hình thủy điện tích năng đầu tiên trên cả nước với quy mô 1.200 MW trên hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2020.
Về du lịch, Ninh Thuận đang từng bước xây dựng các khu du lịch trọng điểm của cả nước và khu vực Đông Nam Á với nhiều loại hình du lịch độc đáo và chất lượng dịch vụ tốt, với mục tiêu đóng góp 8% GDP và giải quyết 10% lao động vào năm 2020. Tỉnh phấn đấu vào năm 2015 đón khoảng 1,3 – 1,4 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 15% là khách quốc tế.
Theo ông Chris Malone, Giám đốc Tập đoàn Monitor, lợi thế về tiềm năng biển là điều kiện để Ninh Thuận phát triển những ngành kinh tế biển mang tính đặc thù như sản xuất năng lượng từ điện gió, muối công nghiệp, du lịch văn hoá – nghỉ dưỡng...
“Sự cam kết, hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả và ngày càng nhiều hơn của Trung ương; sự cải thiện nhanh chóng về hệ thống cơ sở hạ tầng; chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân… đang mở ra cho Ninh Thuận những cơ hội mới trong phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của người dân”, ông Chris Malone nói.
Góp ý với bản quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của Ninh Thuận, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, mục tiêu trong vòng 10 năm đưa Ninh Thuận từ một tỉnh nghèo trở thành 1 trong 20 tỉnh giàu của cả nước là có thể làm được nếu thực hiện quyết liệt và đúng cách. “Nhưng tôi thấy có một vài nhược điểm trong bản quy hoạch này. Thứ nhất là với số dân chỉ gần 600.000 người, Ninh Thuận cần phải hướng ngoại để phát triển. Nếu quy hoạch nhấn mạnh việc tìm mọi cách liên kết vùng với các tỉnh xung quanh thì động lực phát triển sẽ lớn hơn. Thứ hai là xuất phát điểm của Ninh Thuận quá thấp. GDP năm 2008 của Ninh Thuận chỉ là 300 triệu USD, nội lực của tỉnh quá thấp nên khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng 15 – 20%/năm thì chả đáng bao nhiêu. Một khi xuất phát với 2 nhược điểm này thì rất khó để đi lên”, GS Mại nhận xét.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, quy hoạch phát triển của Ninh Thuận thực sự là một bước đột phá. Nhưng quan trọng là con đường đi tới mục tiêu đó như thế nào. Quy hoạch tập trung vào 2 điểm mà Ninh Thuận cho là mạnh, là năng lượng và du lịch. Nhưng làm năng lượng tại Ninh Thuận là vì lợi ích quốc gia, không phải dành riêng cho Ninh Thuận. Còn du lịch được xác định là mũi nhọn, nhưng làm du lịch tập trung vào đối tượng khách nào, bản quy hoạch chưa chỉ rõ ra Ninh Thuận có gì khác biệt so với các địa phương khác… “Nếu chỉ rõ được cách khắc phục những hạn chế này, Ninh Thuận mới có hy vọng tạo những bước đột phát trong 10 năm tới”, ông Thiên nói.
Theo Đầu tư