Friday, 22/11/2024 | 13:32 GMT+7

Việt Nam và Hàn Quốc trao đổi kinh nghiệm phát triển năng lượng sinh học

22/03/2023

Từ ngày 13 đến ngày 17/3/2023, dự án “Bảo vệ khí hậu thông qua thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam” (BEM) - Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đồng tổ chức chương trình trao đổi học tâp và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng sinh học tại Hàn Quốc.

Tại buổi làm việc, ông Nathan Moore, Giám đốc Dự án BEM cho biết: Chúng ta đang đứng trước một thời khắc lịch sử, khi thế giới đã đoàn kết trong nỗ lực hạn chế những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Để đạt được điều này, chúng ta cần đến những hành động nghiêm túc, phối hợp và bền vững từ tất cả chúng ta. Cũng như Hàn Quốc, Việt Nam đã cam kết sẽ nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
"Tại COP 26 năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đưa ra mục tiêu: Việt Nam sẽ giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực. Tiềm năng năng lượng sinh học của Việt Nam và các đồng lợi ích của nó hoàn toàn phù hợp để đạt được những mục tiêu này", ông Nathan Moore nói.
Chương trình trao đổi kinh nghiệm này mang đến một cơ hội quan trọng và kịp thời để chia sẻ các bài học kinh nghiệm, đồng thời khám phá các lựa chọn về công nghệ và khuôn khổ hỗ trợ phù hợp để khuyến khích và duy trì sự phát triển của dự án năng lượng sinh học hướng tới tương lai năng lượng xanh ở cả Việt Nam và Hàn Quốc.
Nhà máy sản xuất điện từ rác thải của Công ty SLC, tại Hàn Quốc. (Ảnh: GIZ)
Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết chuyến công tác là một cơ hội để đoàn đại biểu của Việt Nam trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia và đối tác phía Hàn Quốc trong việc sử dụng các nguồn sinh khối và khí sinh học, cho mục đích phát điện và phát nhiệt, góp phần đảm bảo cung ứng năng lượng, đồng thời thực hiện cam kết giảm khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Thông tin trao đổi từ phía đoàn Việt Nam cho hay Dự án BEM/GIZ được triển khai tại Việt Nam từ tháng 4/2019 đến tháng 9/2023, với mục tiêu tăng cường những điều kiện tiền đề cho việc sử dụng bền vững sinh khối và khí cho phát điện và nhiệt ở Việt Nam. Dự án được Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ thông qua Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI). Tại Việt Nam, đối tác của dự án là Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương)  phối hợp thực hiện cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ.
Đến nay, dự án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Xây dựng sổ tay hướng dẫn đầu tư phát triển dự án điện sinh khối; Sổ tay hướng dẫn đánh giá tác động môi trường – xã hội của các dự án điện sinh khối; Đối thoại chính sách thông qua việc điều phối hợp tác song phương; Xây dựng các nghiên cứu kĩ thuật về cơ chế hỗ trợ cho điện sinh khối và khí sinh học;  Tập huấn đào tạo cho các học viên trong lĩnh vực năng lượng sinh học; và hơn 50 doanh nghiệp đã được hỗ trợ kỹ thuật về hiệu quả năng lượng, chuyển đổi năng lượng từ sử dụng than sang sử dụng sinh khối.
Đoàn thăm thực địa các nhà máy điện khí sinh học và sinh khối tại Hàn Quốc. (Ảnh: GIZ)
Trong khuôn khổ chương trình, đoàn đại biểu Việt Nam đã gặp gỡ và lắng nghe các bài tham luận của các giáo sư từ Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc (MSIT), Viện Khoa học Lâm nghiệp Quốc gia (NIFS), Hiệp hội Năng lượng sinh khối rừng và Vụ Chuyển đổi Xanh của Bộ Môi trường.
Các tham luận tập trung vào một số vấn đề như: tổng quan khung pháp lý chính sách và các cơ quan chính phủ phụ trách năng lượng sinh học của Hàn Quốc, năng lượng sinh khối từ phát triển lâm nghiệp bền vững trong chính sách năng lượng tái tạo của Hàn Quốc, tương lai của ngành năng lượng và chính sách chuyển đổi xanh của Hàn Quốc.
Sau các phiên làm việc tại hội trường, đoàn đại biểu đã thảo luận với các nhà đầu tư dự án năng lượng sinh học về khả năng hợp tác, thăm thực địa các nhà máy điện khí sinh học và sinh khối tại Hàn Quốc.
Chương trình trao đổi kinh nghiệm là một trong các hoạt động của dự án BEM – do GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp thực hiện. Dự án do Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu CHLB Đức tài trợ thông qua Quỹ Sáng kiến Khí hậu quốc tế (IKI). 
Khánh An