Sunday, 20/10/2024 | 12:37 GMT+7

Buồng vệ sinh đặc biệt “hô biến” nước tiểu thành điện

02/04/2015

Đại học West of England (UWE Bristol) vừa nghiên cứu và chế tọa thành công buồng vệ sinh chuyển đổi nước tiểu thành điện năng để thắp sáng cho các trại tị nạn.

Nước tiểu của con người đã được biến đổi thành nhiều thứ khác nhau trong hàng thế kỷ qua. Các nhà giả kim chưng cất nước tiểu thành phốt pho, sử dụng để chế tạo thuốc súng. Trong khi đó những người thợ thuộc da lại đựng loại nước này trong những chiếc thùng lớn để xử lý da sống. Nó cũng từng được sử dụng để làm nên các vô số các hợp chất hoá học, bao gồm cả nhựa dẻo của thời sơ khai.

Ngày nay, rất nhiều thứ khác cũng được tạo ra từ loại chất lỏng phổ biến này. Mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học West of England (UWE Bristol) đã xây dựng nên một bồn tiểu mà tại đó, nước tiểu sẽ chuyển đổi trực tiếp thành điện năng.

Đây không phải là sản phẩm tái sử dụng nước tiểu đầu tiên được tạo ra trong thời kỳ hiện đại, nhưng việc tái chế loại chất lỏng này là một gợi ý không tồi cho mọi thứ sau này, từ chế tạo hydro nhằm cung cấp năng lượng cho xe chạy tới các loại bê tông sinh học, thậm chí là cả chưng cất nước uống dành cho hoạt động thể thao.

Song, mẫu buồng tiểu mới này có thể chưa phải là sản phẩm hữu ích nhất và dễ ứng dụng nhất, vì nó được chế tạo để chiếu sáng các lán trong những trại tị nạn - những nơi tối tăm và nguy hiểm đặc biệt với phụ nữ.

 

Sản phẩm này tạo ra điện năng bằng cách sử dụng cụm thiết bị biến đổi tế bào năng lượng vi sinh năng lượng vi sinh (MFC) hoạt động nhờ nước tiểu. Ngoài ra, nó còn giúp khai thác và giảm thiểu một lượng lớn chất thải lỏng phát sinh từ các trại tị nạn nơi có đến hàng chục nghìn người sinh sống.

Thiết bị này, vì thế, có thể góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường và hỗ trợ cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường cũng như các điều kiện sống nói chung, do đó làm giảm một phần nào đó các yếu tố gây căng thẳng từ những khu vực vốn đã quá “nặng gánh”.

Dựa trên những nguyên mẫu trước đó do UWE Bristol sản xuất, nhằm cung cấp năng lượng cho điện thoại di động, sản phẩm mới nhất này là kết quả của sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu của trường UWE Bristol với Oxfam.

Ban đầu, nhóm nghiên cứu, do giáo sư Ioannis Ieropoulos dẫn dắt, đã tạo ra các tế bào nhiên liệu vi sinh, và sử dụng nó trong những thí nghiệm sau này. Các nhà nghiên cứu tràn trề hy vọng rằng công việc này sẽ mang đến một sự khác biệt thực sự cho thật nhiều những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, nạn đói hoặc thiên tai trên thế giới.

"Chúng tôi đã chứng minh rằng phương pháp này có thể tạo ra điện năng. Công việc của Trung tâm Năng lượng sinh học Bristol đã được đề cập đến rất nhiều trong năm 2013 khi nhóm nghiên cứu tạo ra điện từ các tế bào nhiên liệu vi sinh để cung cấp cho điện năng điện thoại di động. Dự án thú vị này với Oxfam có thể làm nên sức ảnh hưởng rất lớn tại các trại tị nạn". Giáo sư Leropoulos nói.

Nhân viên và học sinh của trường được đề nghị “đóng góp” nước tiểu thường xuyên. Ngoài ra, vì lợi ích khoa học và dành cho những ai tò mò, buồng tiểu này còn có một một màn hình nhựa mà qua đó người dùng có thể quan sát được quá trình biến nước tiểu thành nguồn điện.

"Các tế bào nhiên liệu vi sinh hoạt động bằng cách sử dụng các vi sinh vật ăn nước tiểu để tăng trưởng và duy trì sự sống. MFC hoạt động như một hệ thống mà ở đó, nó sử dụng một phần năng lượng sinh hoá dành cho sự phát triển của vi sinh vật, và biến đổi nó trực tiếp thành điện năng - thứ mà chúng ta gọi là điện từ nước tiểu" - Giáo sư Leropoulos nói.

“Đây là công nghệ thân thiện với môi trường vì chúng ta không cần sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta sử dụng một cách có hiệu quả các loại chất thải - nguồn cung vô cùng dồi dào", Giáo sư Leropoulos cho biết thêm. 

Một yếu tố đặc biệt quan trọng là công nghệ này có giá cả rất phải chăng, hơn nữa điện được tạo ra ngay khi có thể. “Chế tạo một tế bào nhiên liệu vi sinh cần khoảng 1 bảng Anh và chúng tôi nghĩ rằng một thiết bị thử nghiệm nhỏ như cái mà chúng tôi tạo ra cho thí nghiệm này chỉ tốn có 600 bảng. Đây là một phần thưởng rất có ý nghĩa vì công nghệ này, trên lý thuyết, sẽ kéo dài mãi mãi”, Giáo sư Leropoulos chia sẻ.

Mai Linh (Theo Gizmag)