Thursday, 07/11/2024 | 23:15 GMT+7

Hóa chất Việt Trì nâng cao sức cạnh tranh nhờ đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng

16/07/2011

Công ty CP Hóa chất Việt Trì (Vicco) tự hào là một trong những doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu đầu vào quan trọng cho nhiều ngành kinh tế quốc dân như: Giấy, Dệt may, Cơ khí, Dầu khí và Chế biến thực phẩm.

Hóa chất Việt Trì nâng cao sức cạnh tranh nhờ đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng

Là một doanh nghiệp sản xuất hóa chất cơ bản, Công ty CP Hóa chất Việt Trì (Vicco) tự hào là một trong những doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu đầu vào quan trọng cho nhiều ngành kinh tế quốc dân như: Giấy, Dệt may, Cơ khí, Dầu khí và Chế biến thực phẩm. Chính vì là một doanh nghiệp sản xuất hóa chất, nên Công ty luôn ý thức đến việc giữ gìn môi trường làm việc, cũng như môi trường xung quanh không bị ô nhiễm thông qua nhiều biện pháp cải tiến công nghệ.

Nỗ lực giảm chi phí


Năm 2005 với số lượng CBCNV khoảng 600 người, doanh thu xấp xỉ 100 tỉ, Vicco là một trong số ít doanh nghiệp của tỉnh Phú Thọ được lựa chọn tham gia vào Dự án Sản xuất sạch hơn thuộc Hợp phần Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI). Xuất phát từ quan điểm cần phải tiết giảm mọi chi phí từ điện, than, dầu FO đến tất cả các chi phí nhỏ nhặt khác nhằm giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, lãnh đạo Công ty đã tập trung nhiều giải pháp từ quản lý nội vi đến đầu tư công nghệ mới nhằm đạt mục tiêu đề ra.

82759a072_img_3270.jpg

Đầu tiên là dùng khí thải của hệ thống lò hơi, trao đổi nhiệt cho nước, hâm nước, lấy nước nóng quay trở lại cấp cho lò hơi, giảm lượng than để cấp nhiệt cho nước từ nhiệt độ bình thường lên nhiệt độ sôi.


Với những động cơ lớn thường xuyên thay đổi tốc độ, Công ty tiến hành lắp biến tần để khi thay đổi công suất, tốc độ động cơ giảm, mức tiêu thụ điện thay đổi theo. Còn những động cơ lớn không thay đổi tốc độ thì áp dụng chế độ bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên. Áp dụng những sáng kiến để tiết kiệm than, tiết kiệm điện. Thay toàn bộ bóng sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm năng lượng.

Để khắc phục tình trạng nước thải, khí thải không đạt tiêu chuẩn sinh ra trong quá trình sản xuất sản xuất axit HCl, Công ty đầu tư công nghệ sản xuất với thiết bị tổng hợp 3 trong 1, với công nghệ này, nước được tuần hoàn liên tục trong thiết bị không phát sinh ra ngoài, loại bỏ được hoàn toàn nước thải. Còn khí cũng được hấp thụ với hiệu suất cao, đạt tiêu chuẩn trước khi ra ngoài môi trường.

Mặc dù đã đầu tư rất nhiều giải pháp để tiết kiệm năng lượng, giảm giá thành sản phẩm, tuy nhiên, với Hóa chất Việt Trì, đặc thù của sản xuất là điện động lực chỉ chiếm một phần nhỏ (chỉ khoảng 10%) so với lượng điện một chiều cấp cho thiết bị điện phân xút. Nếu tính Công ty tiêu tốn khoảng 2.500 kWh cho một tấn sản phẩm thì điện động lực chỉ khoảng 200-250 kWh.

Do đó, một trong những giải pháp được cho là quan trọng nhất, có tính quyết định vừa mở rộng sản xuất, vừa đảm bảo tiết kiệm năng lượng và cải thiện môi trường là đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất xút – sản phẩm chủ lực của Công ty.

Đầu tư công nghệ hiện đại

Trước năm 2009, Công ty có một dây chuyền điện phân xút công suất 10.000 tấn/năm theo công nghệ màng cách (diaphram). Công nghệ này phải dùng màng cách bằng amiăng là chất độc hại, lại thêm nhựa đường trít vào phần nối ống khi thoát hơi mùi rất khó chịu. Với công nghệ này, để làm ra một tấn sản phẩm cần 2.700 kWh điện, 1,9 tấn muối và 1,1 tấn than. Nồng độ xút sau khi điện phân chỉ đạt 10% NaOH, phải qua một hệ thống cô đặc để nâng nồng độ lên xút 32%.

7df260a84_img_3266.jpg

Sau khi đi khảo sát, Công ty quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất xút theo công nghệ hoàn toàn mới, hiện đại, thân thiện môi trường – đó là công nghệ điện phân xút bằng màng trao đổi ion (membran) với những ưu điểm vượt trội so với công nghệ cũ.


Thời điểm quyết định đầu tư là năm 2007, sau hơn 2 năm lắp đặt, đến tháng 9/2009, dây chuyền đã bắt đầu vận hành liên tục với công suất 10.000 tấn/năm. Theo công nghệ màng trao đổi ion, để làm ra một tấn sản phẩm cần 2.500 kWh điện (giảm 200 kWh so với dây chuyền cũ), 1,7 tấn muối (giảm 200 kg) và 230 kg than (giảm 870 kg). Xút sau khi điện phân đạt nồng độ 32%, không mất thời gian qua hệ thống cô đặc. Đặc biệt là chất lượng sản phẩm được nâng lên, ví dụ: hàm lượng muối/xút với công nghệ màng cách còn 5% NaCl, nhưng với công nghệ mới chỉ còn 50 phần triệu. Sản phẩm được sản xuất trong dây chuyền khép kín, không dùng amiăng làm màng cách, không có nhựa đường để trít ống nối nên đứng trong xưởng, tuyệt đối không phát sinh khí thải độc hại ra môi trường.

Ông Đào Quang Tuyến – Bí thư đảng uỷ kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết, đầu tư dây chuyền điện phân này, Công ty chi ra khoảng 130 tỉ đồng. Cứ đà tiết kiệm này, theo tính toán, trong khoảng 5 năm sẽ hoàn vốn đầu tư. Nhằm hướng tới sản xuất kinh doanh phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, Công ty cũng đã hoạch định sẽ đầu tư tiếp một dây chuyền nữa thay thế hẳn dây chuyền cũ đang chạy song song. Như vậy, Công ty sẽ giải quyết triệt để bài toán môi trường.

Không chỉ là tiết kiệm, không chỉ là thân thiện môi trường, bản thân chất lượng sản phẩm cũng có sự thay đổi. Sản phẩm xút điện phân theo công nghệ mới đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhiều ngành như thực phẩm, y tế, nhiệt điện... Do đó,  hàng làm ra không kịp đơn đặt hàng của khách, nhu cầu vẫn cao nhưng Công ty không thể đáp ứng vì năng lực sản xuất có hạn.

Kinh nghiệm trong đầu tư

Theo Phó tổng giám đốc Văn Đình Hoan xuống nơi lắp đặt hai dây chuyền cũ và mới, tôi nhận rõ sự khác biệt rất lớn. Trong khi thiết bị cũ chiếm cả một toà nhà với nhiều thiết bị cồng kềnh thì thiết bị mới gọn nhẹ, sạch sẽ với một diện tích khiêm tốn. Ông Hoan cho biết, “trong thời gian lắp đặt, đội ngũ kỹ sư của Công ty đã bám trụ ngày đêm để giám sát, hiệu chỉnh, vận hành thử. Do vậy, từ khi đóng điện vận hành ổn định suốt từ đó tới giờ, đã gần 2 năm, không có sự cố nào mà chúng tôi không khắc phục được, các thiết bị đều rất tốt, đặc biệt là hệ thống thiết bị tự động hóa”.

0779f6e11_img_3264.jpg

Nhưng để làm được điều đó không hề dễ. Ông Hoan kể, rút kinh nghiệm từ những người đi trước, các kỹ sư của Công ty rất thận trọng trong quá trình lựa chọn vật liệu cho thiết bị, nhằm chống ăn mòn, vật liệu nào chịu được xút, vật liệu nào chịu được clo – đã là kỹ sư của Hóa chất Việt Trì là phải biết. Do đó, trong quá trình làm việc, khi đối tác đề xuất kỹ thuật, nếu thấy không hợp lý là có ý kiến ngay để điều chỉnh cho phù hợp. Không chỉ dừng lại ở đó, sau khi đi học tập kinh nghiệm từ các đơn vị bạn, đội ngũ kỹ thuật của Công ty  còn đề xuất tự làm thiết bị đo điện áp các ngăn của thùng điện phân.

Theo Phó tổng giám đốc Hoan thì, với thùng điện phân, điện áp ngăn là rất quan trọng và được kiểm soát thường xuyên. Nhìn vào điện áp là có thể biết thiết bị điện phân hoạt động bình thường hay không. Đội ngũ kỹ sư của Công ty mạnh dạn đề xuất với Tổng giám đốc cho thiết kế, lắp đặt một hệ thống đo điện áp ngăn cho thiết bị điện phân. Với thiết bị đo điện áp này, nếu mua của nước ngoài, giá hơn 1,5 tỉ đồng, trong khi đó, Công ty tự thực hiện, chi phí chỉ hết hơn 100 triệu đồng. Qua thời gian vận hành, thiết bị vẫn hoạt động ổn định và hiển thị kết quả chính xác, góp phần tiết kiệm cho Công ty cả tỉ đồng.


Với uy tín và chất lượng đã được khẳng định, hiện nay, sản phẩm của Công ty đã được một số doanh nghiệp nước ngoài khó tính đặt hàng như Công ty Miwon, Công ty Sumitomo, Công ty Unilever... Dự kiến, năm 2011, Công ty đạt mức doanh thu 225 tỉ, tăng trưởng 27% so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 5 triệu đồng/tháng.

Ngày 19/5/2011, Công ty đã long trọng tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba – phần thưởng cao quí mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho tập thể CBCNV Công ty đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh suốt nửa thế kỷ qua.

Minh Châu