Saturday, 23/11/2024 | 17:54 GMT+7

Thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng trong khu vực tòa nhà

07/06/2013

Tiềm năng TKNL tại các tòa nhà xây mới khoảng 30 – 40%, đối với các tòa nhà cải tạo lại khoảng 15 – 25%

Sáng 7/6, tại Hà Nội, Dự án thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua hỗ trợ DNNVV Việt Nam (MEET – BIS Việt Nam) và Hiệp hội kỹ sư trưởng tòa nhà/ Khách sạn Hà Nội đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Kinh nghiệm sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn năng lượng và nước trong các tòa nhà”. Tọa đàm đã thu hút được gần 100 đại biểu đai diện cho các tòa nhà, khách sạn, khu công nghiệp toàn khu vực miền Bắc.

6cd85f24d_3.jpg

Tọa đàm “Kinh nghiệm sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn năng lượng và nước trong các tòa nhà”

Theo thống kê, hiện nay, trên thế giới, một nửa lượng phát thải Cacbon được sinh ra từ khu vực tòa nhà. Bên cạnh đó, tốc độ tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà chiếm khoảng 40% tổng năng lượng tiêu thụ toàn cầu. Tại Việt Nam, ông Đinh Chính Lợi – Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường – Bộ Xây dựng chia sẻ: Hiện tốc độ tiêu thụ năng lượng của khu vực tòa nhà Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng, từ mức 20% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia năm 2003 lên đến mức 30% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia trong giai đoạn hiện tại. Hiện cả nước có hơn 1000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thì đã có 126 tòa nhà thuộc khu vực này (chiếm khoảng 10% tổng tiêu thụ năng lượng cả nước), tập trung chủ yếu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù tiêu thụ năng lượng ở mức độ lớn như vậy nhưng tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) tại khu vực này rất lớn, vào khoảng 30 – 40% đối với các tòa nhà xây mới và khoảng 15 – 25% đối với các tòa nhà cải tạo lại. Chính vì vậy, áp dụng các giải pháp nhằm TKNL là yếu tố quan trọng giúp các tòa nhà tiết giảm chi phí, đặc biệt trong hoàn cảnh sản xuất khó khăn như hiện nay. Trên thực tế, đã có nhiều tòa nhà đạt được những hiệu quả kinh tế đáng kể khi ứng dụng những giải pháp TKNL.

f36650be2_toa_nha.jpeg

Tiềm  năng TKNL tại các tòa nhà xây mới khoảng 30 – 40%, đối với các tòa nhà cải tạo lại khoảng 15 – 25% 

Tại tọa đàm, chia sẻ về những kinh nghiệm TKNL và nước trong khu vực tòa nhà, ông Nguyễn n Chính – Kỹ sư trưởng KS Sheraton Hà Nội cho biết: Trong những năm qua, để bảo vệ và gìn giữ cho môi trường xung quanh khu vực khách sạn bền vững, ban quản lý khách sạn đã hoạch định các biện pháp quản lý để giảm thiểu tác động đến môi trường, giảm sử dụng năng lượng và nước. Cụ thể, toàn bộ hệ thống chiếu sáng của khách sạn đã được sử dụng đèn LED, hệ thống chiếu sáng cảm ứng để TKNL, đồng thời tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; Khu vực thang máy, điều hòa trung tâm được tích hợp máy biến tần; Khóa cửa các phòng đều sử dụng thẻ từ thông minh; Sử dụng lò hơi cho hệ thống giặt là để TKNL; Sử dụng bơm nhiệt hiệu suất cao trong việc cấp nước nóng cho toàn bộ hoạt động trong khách sạn… “Chúng tôi sẵn sàng đầu tư thêm các giải pháp mới để TKNL tối đa” – ông Chính chia sẻ.

Cũng là một tòa nhà đã ứng dụng thành công các giải pháp TKNL, ông Tào n Nghệ - Tổng giám đốc khách sạn Rex (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: Trong tình hình kinh doanh nhiều thách thức hiện nay, việc thực hành tiết kiệm trong sử dụng năng lượng đóng góp lớn vào việc giảm thải chi phí điều hành DN. Theo đó, từ năm 2010, khách sạn đã áp dụng nhiều giải pháp TKNL như đầu tư hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời; Sử dụng hệ thống điều hòa inverter… Với những giải pháp này, năm 2012, khách sạn đã tiết kiệm được trên 400.000 kWh điện, tương đương 970 triệu đồng so với năm 2009.

Các giải pháp TKNL cũng đã mang lại hiệu quả lớn khi giúp tòa nhà HITC (Hà Nội) tiết kiệm được 20% lượng điện năng tiêu thụ cho hệ thống điều hòa; 30% điện cho hệ thống thang cuốn tự động; 16% điện cho hệ thống bơm nước làm mát. Cụ thể, tòa nhà HITC đã ứng dụng các giải pháp như lắp biến tần cho hệ thống bơm; Sử dụng đèn T5 tiết kiệm năng lượng; phát triển hệ thống điều khiển thang cuốn tự động; Bảo dưỡng và xử lý ngay các hiện tượng khác thường của hệ thống điều hòa không khí… Ngoài ra, tòa nhà còn xây dựng quy chế tiết kiệm điện, đồng thời thực hiên kiểm toán năng lượng nhằm tìm ra những giải pháp TKNL tối ưu nhất. Với những giải pháp này, tòa nhà HITC đã được Bộ Công Thương trao giải nhất tòa nhà quản lý năng lượng sáng tạo độc đáo năm 2010.

Được biết, cuối năm nay, Quy chuẩn “Các Công trình Xây dựng Sử dụng Năng lượng Hiệu quả” sẽ được Bộ Xây dựng ban hành nhằm góp phần đưa mục tiêu TKNL trong khu vực tòa nhà được thực hiện nhanh chóng hơn. Cùng với việc Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có hiệu lực, Quy chuẩn này sẽ tạo một hành lang pháp lý cho hoạt động TKNL trong tòa nhà. Tuy nhiên, xét cho cùng, Luật chỉ là một công cụ hành chính. Điều quan trọng hơn cả là DN phải nhận rõ rằng TKNL trước hết giúp mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho chính bản thân DN để từ đó DN tự ứng dụng các giải pháp TKNL. Thành công từ các tòa nhà được kể trên đây chính là minh chứng rõ nét nhất cho những lợi ích ấy.

Bảo Anh