Sunday, 24/11/2024 | 01:55 GMT+7

Hiệu quả lớn từ tiết kiệm năng lượng ngành hóa chất

25/07/2013

Nhờ các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL), nhiều DN ngành hóa chất đã thu được những hiệu quả kinh tế không nhỏ.

Nhờ các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL), nhiều DN ngành hóa chất đã thu được những hiệu quả kinh tế không nhỏ.

Theo TS. Phùng Ngọc Bộ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Công nghệ của ngành hóa chất hiện nay mới chỉ ở mức trung bình thấp của khu vực và thế giới nên chi phí năng lượng còn chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành sản phẩm.

a247495f9_dam.jpg

Nhiều DN hóa chất thu được hiệu quả cao nhờ các giải pháp TKNL

Minh chứng rõ nét hơn cho vấn đề này, ông Hoàng Văn Tại - Giám đốc Công ty CP phân lân nung chảy Văn Điển cho biết: Để sản xuất phân lân, trong một giai đoạn dài trước đây, công ty phải sử dụng công nghệ lò cao với than cốc là nhiên liệu, năng suất thấp nên tiêu hao nhiên liệu lớn. Mặc dù đã có nhiều năm trong nghề nhưng có thời gian, công ty không chịu nổi mức tiêu hao này và vì không có tiền nhập than cốc nên gần như phải đóng cửa.

Vì lý do đó, để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Công ty CP phân lân nung chảy Văn Điển đã cải tiến công nghệ lò cao chạy từ than cốc sang than antraxit nội địa, từ đó giảm hơn 1 tấn than nguyên liệu so với trước đây, đồng thời giảm lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu than cốc. Bên cạnh đó, công ty còn tiến hành đóng bánh than vụn nhằm tận dụng phế thải. Nếu trước đây phế thải chiếm khoảng 35% thì hiện nay phế thải rắn hầu như được tận dụng lại, từ đó tiêu hao nguyên liệu đã giảm từ 1,7 tấn xuống còn 1,1-1,2 tấn. Đồng thời, việc thay đổi công nghệ hiện đại đã giúp giảm tiêu hao điện từ 45 kWh/tấn sản phẩm xuống còn khoảng 40 kWh/tấn sản phẩm, hiệu quả kinh tế mang lại từ đó là rất lớn.

Cũng nhằm mục đích tiết giảm chi phí năng lượng, giảm giá thành sản xuất kinh doanh, nhiều DN thuộc Tập đoàn Hóa chất đã chủ động áp dụng các giải pháp TKNL như đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất; Chuyển đổi nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như chuyển từ than cốc nhập khẩu sang antraxit nội địa, chuyển từ sử dụng màng amiang sang màng bán thấm trong điện phân xút – clo, chuyển từ dung môi hữu cơ sang dung môi nước… Các giải pháp đều mang lại hiệu quả TKNL rất khả quan. Cụ thể, để sản xuất 1 tấn amoniac, Công ty Phân đạm Hà Bắc đã giảm định mức tiêu hao than cốc từ 1.408 kg xuống còn 1.250 kg; Giảm tiêu thụ điện từ 1.425 kWh xuống còn 1.260 kWh…

Là một trong những ngành nghề sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng, TKNL để giảm giá thành sản xuất là giải pháp được nhiều DN hóa chất tìm đến để tiết giảm chi phí nhằm “trụ vững” trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, giá năng lượng có nhiều biến động như hiện nay.

Để hỗ trợ DN TKNL, Ngân hàng Thế giới và Bộ Công Thương đang phối hợp thực hiện Dự án Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn. Với tổng vốn 4 triệu USD, dự án sẽ kéo dài từ năm 2012 - 2015. Hóa chất là một trong những ngành nhận được hỗ trợ từ dự án này.

Bảo Anh