Saturday, 23/11/2024 | 11:52 GMT+7

Belarus đạt thành tựu lớn về hiệu quả năng lượng trong khu vực công trình dân dụng

05/07/2016

Sau 5 năm thực hiện, chương trình hiệu quả năng lượng của Belarus đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng

Là một nước nghèo và phụ thuộc nặng nề vào nguồn năng lượng nhập khẩu, Belarus luôn ý thức được tầm quan trọng của công tác hiệu quả năng lượng. Kể từ năm 2012, được sự hỗ trợ của UNDP và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), quốc gia Đông Âu này đã triển khai một chương trình dài hạn với tổng đầu tư lên đến 4,5 triệu đô la nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong khu vực công trình dân dụng của mình.

Được biết, trọng tâm của chương trình là hỗ trợ người dân trong quá trình thiết kế một toà nhà mới với các đặc điểm tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, được sự giúp đỡ từ các chuyên gia của UNDP và GEF, Bộ Năng lượng Belarus cũng tích cực xây dựng một bộ tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng. Theo đó, những toà nhà dân dụng mới của quốc gia này phải đảm bảo rằng mức tiêu thụ năng lượng của chúng phải thấp hơn ít nhất 70% so với mức tiêu thụ năng lượng trung bình của một toà nhà vào năm 1993 và thấp hơn ít nhất 40% so với mức trung bình của một toà nhà vào năm 2012.

Tính đến nay, sau 5 năm thực hiện, chương trình hiệu quả năng lượng nêu trên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cụ thể như sau:

* Với sự hỗ trợ của chuyên gia đến từ UNDP và GEF, các cán bộ chương trình đã xây dựng thành công một lộ trình hành động, bao gồm hàng loạt các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng theo từng nấc cụ thể, nhằm phục vụ cho các mục tiêu hiệu quả năng lượng trong hiện tại và tương lai. Hơn thế, Quy định Kỹ thuật về hiệu quả năng lượng trong xây dựng cùng 5 hạng mục quan trọng khác trong số này đã được thông qua và đưa vào Danh mục Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia của Belarus.

* Bằng các phần mềm hiện đại, chương trình đã thực hiện kiểm toán năng lượng thành công 55 công trình dân dụng. Đây là một bước tiến lớn so với phương thức sử dụng công-tơ thủ công, tốn nhiều thời gian và kém chính xác trước đây. Trên cơ sở này, các cán bộ chương trình đã có báo cáo đề xuất việc sử dụng công nghệ kiểm toán năng lượng mới trên phạm vi toàn quốc với những hướng dẫn thực hiện cụ thể. Bên cạnh đó, công tác tập huấn sử dụng phần mềm kiểm toán dành cho các cán bộ có liên quan cũng được tiến hành từ năm 2012. Đến nay, đã có khoảng 180 chuyên gia được đào tạo bài bản về kiến thức và kỹ năng trong việc ứng dụng các phương pháp hiện đại vào công tác kiểm toán năng lượng đối với công trình dân dụng.

* Với 5 hội thảo quốc tế cùng hàng trăm buổi seminar, thảo luận bàn tròn và tập huấn, chương trình đã góp phần nâng cao trình độ cho 2 nghìn cán bộ làm việc trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng của Belarus. Đồng thời, chương trình còn tài trợ cho 58 nhà quản lý và chuyên gia trong các lĩnh vực hữu quan của quốc gia này đến Đức, Áo và Cộng hoà Séc để học tập, nghiên cứu kinh nghiệm về công tác thúc đẩy hiệu quả năng lượng.

* Được sự hỗ trợ từ UNDP và GEF, chương trình còn cung cấp một số lượng lớn tài liệu kỹ thuật xây dựng có liên quan đến hiệu quả năng lượng cho Trường Đại học Kỹ thuật quốc gia Belarus để đưa vào giảng dạy. Khoảng 200 báo cáo kỹ thuật cùng với các hướng dẫn cần thiết về công nghệ hiệu quả năng lượng tiên tiến nhất, hàng loạt giải pháp kỹ thuật mới trong xây dựng đã được xuất bản và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Nhiều bài viết, ý kiến ​​và bình luận của các chuyên gia tham gia chương trình cũng được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của Belarus.

* Chương trình đã thí điểm xây dựng mô hình nhà ở tiết kiệm năng lượng tại 3 thành phố Minsk, Hrodna và Mahilou. Nhiều giải pháp xây dựng hiệu quả năng lượng đã được tích hợp trong thiết kế của những căn hộ này như hệ thống thông gió có khả năng thu hồi 80% nhiệt thải để sưởi ấm, máy bơm nhiệt sử dụng nguồn năng lượng địa nhiệt, pin quang điện ở mặt tiền và mái nhà,… Kết quả thử nghiệm cho thấy với thiết kế như trên, các hộ gia đình có thể tiết kiệm được đến 50% điện năng tiêu thụ, giảm lượng điện dùng để sưởi ấm xuống dưới 25 kWh/m2/năm và lượng điện dùng để đun nước nóng xuống dưới 40 kWh/m2/năm.

Anh Tuấn (Theo UNDP)