Thursday, 26/12/2024 | 22:30 GMT+7
Với công trình nghiên cứu ứng dụng lý thuyết thống kê và hệ thống đo xa vào xây dựng biểu đồ phụ tải ngành điện, kỹ sư Huỳnh Thảo Nguyên (34 tuổi), nhân viên Công ty Điện lực Đà Nẵng (Tổng công ty Điện lực miền Trung), đã đoạt giải nhì Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) 2015.
Từ cách đây 10 năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai nghiên cứu phụ tải hệ thống điện lưới nhằm thu thập, xây dựng biểu đồ phục vụ công tác dự báo, vận hành hệ thống truyền tải điện và lập giá bán lẻ điện cho khách hàng bằng phần mềm mua từ nước ngoài.
Khi đó Nguyên được công ty cử đi tham dự lớp tập huấn sử dụng phần mềm đọc số liệu côngtơ IEE và phần mềm nghiên cứu phụ tải LRS của Hãng ITRON, Mỹ. Phần mềm này được EVN mua với giá khoảng 1 triệu USD nhưng rất khó sử dụng, không tương thích với các dữ liệu hiện có và vận hành rất tốn kém. Do vậy, đến nay vẫn chưa thể triển khai áp dụng được.
“Tôi thấy nghiên cứu phụ tải là vấn đề rất hay, nếu triển khai được sẽ mang lại nhiều hiệu quả cho ngành điện, trong đó có lĩnh vực tiết kiệm điện năng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và tài nguyên đang dần cạn kiệt” - anh Nguyên chia sẻ.
Nguyên bắt tay vào thực hiện đề tài. Hai nhiệm vụ khó khăn đặt ra là phải đưa ra được thuật toán xây dựng biểu đồ từng thành phần phụ tải dựa trên lý thuyết xác suất thống kê. Tiếp theo là phải lập trình xây dựng phần mềm nghiên cứu phụ tải từ dữ liệu hệ thống đo xa, kết hợp với các dữ liệu khác như hệ thống quản lý thông tin khách hàng.
Với yêu cầu như vậy, Nguyên tìm kiếm các tài liệu nước ngoài, nhiều đêm ngồi thức trắng đọc dịch sang tiếng Việt. Nguyên tìm ra được thuật toán xây dựng biểu đồ phụ tải và viết chương trình bằng bộ công cụ Microsoft Access kết nối trực tuyến với dữ liệu hệ thống thu thập được. Sau sáu tháng, chương trình nghiên cứu phụ tải được xây dựng thành công với độ tin cậy thống kê lên đến 95%. Các thông số đặc trưng của phụ tải trên hệ thống điện từ đây được biểu diễn dưới dạng đồ thị trên máy tính rất trực quan rõ ràng.
Anh giải thích: “Phần mềm vẽ ra đồ thị thể hiện nhu cầu sử dụng điện của từng nhóm khách hàng khác nhau. Ví dụ nhóm khách hàng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thì dùng bao nhiêu điện một tháng, giờ cao điểm sử dụng điện của nhóm này là giờ nào. Nhóm khách hàng cá nhân, hộ gia đình sử dụng ra sao, nhu cầu gia tăng thời điểm nào trong ngày... Từ đó, ngành điện có thể căn cứ vào mà tính ra giá bán điện cho từng đối tượng để làm sao lợi ích khách hàng được bảo đảm cao nhất”.
Theo anh, nếu được áp dụng cho toàn hệ thống, phần mềm sẽ quản lý được sự tăng trưởng của nhu cầu điện năng và giảm sức ép về vốn đầu tư phát triển lưới điện, góp phần tiết kiệm điện năng, đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Ngoài việc xây dựng cấu trúc biểu giá điện hợp lý, có lợi cho người tiêu dùng còn phục vụ công tác dự báo, vận hành hệ thống điện, giảm tổn thất điện năng và nâng cao độ tin cậy hệ thống điện.
Theo http://tuoitre.vn