Saturday, 23/11/2024 | 03:33 GMT+7
Energy Efficiency Services Limited (EESL) là một công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ năng lượng của Ấn Độ. Trực thuộc Bộ Năng lượng, EESL là một trong những công ty tăng trưởng nhanh nhất ở Ấn Độ và đã có kinh nghiệm 8 năm hoạt động trong lĩnh vực này. Sau đây là cuộc trao đổi của PV Tạp chí Công Thương với ông Soumya Prasad Garnaik – Trưởng khối Kỹ thuật Công ty về kinh nghiệm triển khai các dự án ESCO tại Ấn Độ.
Thưa ông, xin ông cho biết, vì sao EESL tự tin đầu tư vào lĩnh vực ESCO tại Việt Nam?
Chúng tôi là một công ty ESCO thuộc hàng lớn nhất thế giới, được Chính phủ Ấn Độ và các nhà tài trợ hỗ trợ trên 32 tỉ USD. Chính vì vậy, lĩnh vực hoạt động của chúng tôi khá rộng, đó là thực hiện các dự án TKNL cho chính quyền trung ương và địa phương và các tổ chức khác. Bên cạnh đó còn thực hiện các giải pháp thực hiện mục tiêu chuyển đổi thị trường TKNL trong các hộ gia đình, các thành phố, tòa nhà, trong nông nghiệp và công nghiệp.
Có thể nói, Chính phủ Ấn Độ tạo mọi điều kiện về tài chính và cơ chế để các ESCO hoạt động thuận lợi. Những năm gần đây, thị trường ESCO tại Ấn Độ hoạt động rất sôi nổi. Chúng tôi đã tăng doanh thu gấp 10 lần chỉ trong 1 năm. Năm 2015 đạt doanh thu 10,5 triệu USD, năm 2016 tăng lên 110 triệu USD và dự kiến trong năm nay, sẽ tăng lên 400 triệu USD. Giá trị các dự án đầu tư của EESL trong 3-4 năm tới vào khoảng 6-7 tỉ USD, trong đó có 10 triệu quạt điện, 1 triệu máy bơm nông nghiệp, máy bơm trong thành phố, lưới điện thông minh, tòa nhà…
Hiện nay, chúng tôi tập trung vào 2 hệ thống chính là hệ thống chiếu sáng trên các tuyến đường cao tốc, các con phố và các hộ gia đình. Với các biện pháp TKNL mà chúng tôi đang áp dụng hiện nay, con số tiền điện phải chi trả đã giảm đi đáng kể. Khi sang Việt Nam, chúng tôi không chỉ tập trung vào đầu tư cho một cá nhân mà chúng tôi sẽ có chương trình hợp tác lớn với Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN để đầu tư và tôi tin tưởng sẽ đạt được các lợi ích từ chương trình này.
Vậy cơ chế hoạt động của EESL như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đầu tư toàn bộ chi phí cho tất cả các dự án theo 02 mô hình khác biệt.
Một là, thanh toán dựa trên lượng tiết kiệm (pays), tức là hoàn trả tiền thu được từ tiết kiệm chi phí năng lượng và bảo dưỡng;
Hai là, thanh toán dựa trên hóa đơn điện, tức là tương tác trực tiếp với khách hàng sử dụng các thiết bị TKNL như Led, điều hòa, quạt điện… và khách hàng thanh toán dựa trên hóa đơn tiền điện trong 1-2 năm.
Tóm lại là bằng cách nào thì số năng lượng tiết kiệm được sẽ được qui đổi thành tiền và gửi trả cho các hộ gia đình. Với cơ chế này, trong vài năm trở lại đây, Ấn Độ đã phát triển nhiều công nghệ, áp dụng nhiều giải pháp TKNL một cách hiệu quả, tiết kiệm nguồn năng lượng lớn cho quốc gia. Riêng những mô hình ESCO do EESL lắp đặt đã giảm tới 80% số tiền điện phải chi trả, hàng năm đã tiết kiệm khoảng 770 triệu USD tiền điện cho Ấn Độ. Tôi lấy ví dụ như trước đây khách hàng phải chi trả 0,05 USD cho 1kWh điện, thì nay họ chỉ phải trả 0,01 USD/kWh.
Từ mô hình hộ gia đình, chúng tôi cũng triển khai ra các mô hình doanh nghiệp với qui mô nhỏ, vừa và lớn đều thu được thành công.
Việt Nam hiện đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn tài chính khi đầu tư các dự án ESCO. EESL có kinh nghiệm gì về vấn đề này?
Tôi nghĩ khi đầu tư bao giờ cũng gặp những rủi ro về tài chính và đó là điều các doanh nghiệp phải chấp nhận. Tôi đã quan sát và nghiên cứu thấy khối doanh nghiệp giữa Ấn Độ và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, vậy thì không có lý gì ESCO ở Ấn Độ thành công mà ở Việt Nam cũng áp dụng mô hình tương tự lại không thành công. Quan trọng nhất ở đây là việc thực hành, áp dụng việc đó như thế nào. Với cơ chế qui đổi chi trả bằng tiền mặt cho khách hàng số tiền tiết kiệm được thì tôi nghĩ việc đầu tư sẽ đem lại kết quả.
Một cách khác để có thể giảm thiểu rủi ro về đầu tư đó chính là thông qua hệ thống ngân hàng. Ở Ấn Độ, chúng tôi được vay vốn với mức lãi suất tương đối thấp từ hệ thống ngân hàng và dùng vốn đó để đầu tư cho các doanh nghiệp. Sau khi doanh nghiệp đạt được lợi nhuận, chúng tôi sẽ thu hồi lại vốn, chi trả khoản nợ cho ngân hàng. Đây là phương thức đầu tư lâu dài và giảm thiểu rủi ro tài chính cho các ESCO.
Ông có thể cho biết một dự án điển hình mà EESL đã thực hiện tại Ấn Độ?
Tại Ấn Độ, EESL tham gia Chương trình chiếu sáng hiệu quả trong nước. Đây là chương trình chiếu sáng bằng đèn LED lớn nhất thế giới với số lượng dự tính thay thế 770 triệu bóng đèn sợi đốt (ở khu vực dân cư) và 35 triệu đèn đường trong 3 năm (đến 03/2019). Với Chương trình này, khi hoàn thành, Ấn Độ tránh được khoản đầu tư 13,5 tỉ USD để sản xuất điện, cắt giảm được 114 tỉ kWh điện và cắt giảm được 85 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Tính đến tháng 12/2016, Chương trình đã phân phối được 177 triệu bóng đèn, mỗi ngày tiết kiệm được 62,72 kWh điện, giảm 3,5 triệu USD, cắt giảm được 50.810 tấn khí CO2 và giảm nhu cầu phụ tải đỉnh 4.584 MW.
Hay Chương trình chiếu sáng đường phố quốc gia, EESL chịu toàn bộ chi phí đầu tư để thay thế hệ thống đèn đường thông thường bằng đèn đường LED thông minh, đảm bảo tiết kiệm 45% điện năng. EESL đảm bảo hiệu suất kỹ thuật, vận hành, bảo dưỡng, bảo hành thay thế trong suốt 5-7 năm, trong khi tiền trả cho EESL còn ít hơn tiền điện tiết kiệm được. Đến nay, Chương trình đã thay thế được 1,3 triệu bóng đèn đường, mỗi ngày tiết kiệm 489.000 kWh điện và cắt giảm được 406,48 tấn khí CO2.
Từ các kết quả thiết thực của hai Chương trình trên đã gây hiệu ứng lan tỏa, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng xã hội. Những con số này thực sự rất ý nghĩa với một đất nước đông dân thứ hai thế giới như chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh hoạt động ESCO tại Ấn Độ cũng như giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm sang các nước khác như Việt Nam và tôi tin các bạn sẽ gặt hái nhiều thành công trong các năm tới nếu có cơ chế phù hợp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Tạp chí Công Thương