Saturday, 23/11/2024 | 12:26 GMT+7

Thiết bị chuyển hóa sóng vô tuyến thành điện năng

26/08/2011

Các nhà nghiên cứu của Công ty cơ sở hạ tầng truyền thông Nhật Bản Nihon Dengyo Kosaku (DENGYO) đã phát triển một thiết bị mà họ gọi là rectenna có thể chuyển đổi các sóng vô tuyến trong không khí thành điện năng.

Các nhà nghiên cứu của Công ty cơ sở hạ tầng truyền thông Nhật Bản Nihon Dengyo Kosaku (DENGYO) đã phát triển một thiết bị mà họ gọi là rectenna có thể chuyển đổi các sóng vô tuyến trong không khí thành điện năng.

Rectenna được kết hợp giữa từ rectifier (thiết bị thường được sử dụng để chuyển đổi điện xoay chiều AC sang điện một chiều DC, nhưng cũng có thể phát hiện các tín hiệu vô tuyến) và từ antenna.

ecd8aa001_thietbichuyenhoa.jpg

Các nhà nghiên cứu cho biết, chiếc rectenna này có thể chuyển hóa cả tín hiệu wifi lẫn tín hiệu số mặt đất, tất nhiên lượng điện năng chuyển hóa được phụ thuộc vào lượng sóng vô tuyến xung quanh.

Các rectenna có hai kích cỡ, chiếc nhỏ dày 12 mm, để chuyển hóa tín hiệu wifi; và chiếc lớn dày 30 mm, để chuyển hóa tín hiệu số mặt mặt đất. Mỗi chiếc đều trông giống một miếng đệm mềm phẳng màu trắng.

Các kỹ sư trình diễn hai thiết bị này tại Trung tâm Triển lãm Tokyo Big Sight cho biết, điện được sản xuất bằng phiên bản wifi được tính bằng đơn vị microwatt ở khoảng cách 10 cm từ nguồn, tuy không nhiều nhưng đủ để cung cấp năng lượng một cảm biến nhỏ. Trong khi đó, phiên bản tín hiệu số mặt đất có thể sản sinh ra khoảng 1,2 mV và 0,06 μW điện bên trong hội trường triển lãm tại Tokyo Big Sight. Các tín hiệu nhận được là từ một chương trình số mặt đất được gửi từ trạm phát sóng Tokyo cách đó 5,5 km.

Mặc dù các thiết bị không chuyển hóa được quá nhiều điện năng, nhưng nhóm nghiên cứu tin rằng, chúng có thể được sử dụng vào nhiều mục đích, hoặc tạo ra các thiết bị mới tận dụng những lượng điện nhỏ này.

Họ cũng lưu ý rằng, trong một số khu vực, chẳng hạn như gần trạm Tokyo, rectenna có thể sản sinh nhiều năng lượng hơn. Trong một trường hợp, thiết bị này đã có thể sản xuất 6 mW điện năng ở vị trí cách tháp 3 hoặc 4 km.

Theo Tạp chí hoạt động khoa học