Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra các cơ hội tiết kiệm năng lượng trong hệ thống khí nén.
Các giải pháp tối ưu hóa hệ thống
Vị trí đặt máy nén: Vị trí đặt máy nén và chất lượng khí hút vào máy nén có ảnh hưởng rất lớn đến mức năng lượng tiêu thụ. Nên đặt máy nén ở vị trí có hệ thống thông gió tốt, không bị tích tụ bụi bẩn, hơi nước, không gần nguồn nhiệt;
Nhiệt độ khí vào: Khí vào bị nhiễm bẩn hoặc nóng có thể làm giảm hoạt động của máy nén, làm tăng chi phí năng lượng và chi phí bảo dưỡng. Nếu hơi nước, bụi và các chất bẩn có nhiều trong khí vào, sẽ gây ra bám bẩn ở các bộ phận bên trong máy nén như các van, bánh công tác, rôto, cánh gạt. Những cặn bám này sẽ gây mòn sớm và làm giảm năng suất của máy nén. Vì vậy, nếu khí cấp vào là khí mát sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của máy nén;
Sụt áp trong bộ lọc khí: Việc lắp đặt một bộ lọc khí vào máy nén là cần thiết, nếu không thì phải lấy khí vào từ vị trí sạch và mát. Việc lọc không khí vào máy nén càng tốt thì khối lượng bảo dưỡng càng giảm. Tuy nhiên, cần giảm thiểu sự sụt áp qua bộ lọc khí vào (bằng cách chọn đúng công suất bộ lọc và bảo dưỡng tốt bộ lọc) để ngăn ngừa hiệu ứng thắt hẹp làm giảm công suất máy nén. Vì vậy, nên định kỳ làm sạch bộ lọc khí vào để giảm thiểu sụt áp. Có thể sử dụng áp kế hoặc đồng hồ chênh áp đo mức sụt áp qua bộ lọc nhằm phục vụ cho việc lên lịch vệ sinh bộ lọc;
Độ cao: Máy nén đặt cao hơn so với mực nước biển sẽ tiêu thụ nhiều điện hơn với cùng một mức áp suất cấp so với máy đặt ở độ cao bằng mặt biển, vì tỉ số nén cao hơn;

Một kỹ sư vận hành để kiểm tra mức độ tiêu hao điện của một máy nén khí công nghiệp. (Ảnh: Báo Nhân dân)
Bộ làm mát giữa các cấp (trung gian) và làm mát sau: Phần lớn các máy nén đa cấp đều có bộ làm mát trung gian để loại bỏ nhiệt sinh ra trong quá trình nén giữa các cấp, ảnh hưởng đến hiệu suất tổng thể của máy nén. Bộ làm mát sau được lắp đặt sau cấp nén cuối cùng để giảm nhiệt độ khí, giúp ngưng tụ và loại bỏ hơi nước trong không khí. Nước ngưng từ máy nén có bộ làm mát trung gian được loại bỏ ngay tại các bộ làm mát trung gian, và phần còn lại được loại bỏ trong bộ làm mát sau. Trong hầu hết các hệ thống công nghiệp, quá trình làm mát sau là cần thiết trừ khi khí nén được cung cấp tới các thiết bị không nhạy cảm nhiệt;
Giảm thiểu rò rỉ: Phát hiện rò rỉ bằng siêu âm là phương pháp tìm rò rỉ phổ biến nhất. Có thể sử dụng phương pháp này cho nhiều dạng phát hiện rò rỉ khác nhau. Rò rỉ thường hay xảy ra ở các mối nối. Có thể xử lý bằng cách rất đơn giản là siết chặt mối nối hoặc phức tạp hơn như thay các thiết bị hỏng, gồm khớp nối, ống ghép, các đoạn ống, ống mềm, gioăng, các điểm xả ngưng và bẫy ngưng;
Xả nước ngưng: Sau khi khí nén rời buồng nén, bộ làm mát sau của máy nén sẽ giảm nhiệt độ khí xả xuống dưới điểm sương, dẫn đến một lượng lớn hơi nước ngưng tụ. Để xả nước ngưng, máy nén có bộ làm mát sau được trang bị thiết bị tách nước ngưng hoặc bẫy ngưng;
Kiểm soát sử dụng khí nén: Khi hệ thống khí nén đã sẵn có, các kỹ sư của nhà máy thường có xu hướng muốn sử dụng khí nén để cung cấp cho các thiết bị cần áp suất thấp như cánh khuấy, vận tải bằng khí nén hoặc cấp khí cho buồng đốt. Tuy nhiên, các ứng dụng này nên lấy khí cấp từ quạt thổi, là thiết bị được thiết kế chuyên dụng cho áp suất thấp. Như vậy sẽ giảm rất nhiều chi phí và năng lượng so với sử dụng khí nén;
Điều khiển máy nén: Máy nén khí sẽ không hiệu quả nếu vận hành ở mức thấp hơn nhiều so với năng suất định mức. Để tránh chạy thêm máy nén không cần thiết, nên lắp đặt bộ điều khiển tự động bật và tắt máy nén theo nhu cầu. Giữ áp suất hệ thống khí nén ở mức thấp nhất có thể sẽ cải thiện hiệu suất và giảm rò rỉ khí nén.
Cách áp dụng thực hành hiệu quả nhất cho các biện pháp tối ưu hệ thống khí nén
Kiểm tra và khắc phục rò rỉ: Kiểm tra hệ thống ống dẫn khí. Sử dụng dung dịch xà phòng hoặc thiết bị phát hiện rò rỉ để kiểm tra các điểm nối, van và ống dẫn. Khắc phục ngay các điểm rò rỉ bằng cách siết chặt, thay thế các vòng đệm hoặc sửa chữa các ống dẫn bị hư hỏng;
Kiểm soát và sử dụng khí nén:
- Tối ưu hóa quy trình sản xuất: Đánh giá và tối ưu hóa các quy trình sử dụng khí nén để đảm bảo không có lãng phí. Sử dụng khí nén chỉ khi cần thiết và tắt các thiết bị khi không sử dụng;
- Sử dụng van điều khiển: Lắp đặt van điều khiển tại các điểm sử dụng để điều chỉnh lưu lượng khí nén theo nhu cầu thực tế. Sử dụng van tiết lưu để giảm áp suất tại các điểm sử dụng không cần áp suất cao;
- Giảm thiểu tổn thất áp suất: Sử dụng ống dẫn khí có kích thước phù hợp để giảm thiểu tổn thất áp suất trên đường ống. Tránh các khúc cua gấp và ống dẫn dài không cần thiết.
Xả nước ngưng:
- Kiểm tra và bảo trì hệ thống xả nước ngưng: Kiểm tra định kỳ các bẫy nước để đảm bảo chúng hoạt động đúng cách. Thay thế các bẫy nước hỏng hoặc không hiệu quả để đảm bảo hệ thống không bị nước ngưng tụ;
- Lắp đặt bộ tách nước: Sử dụng bộ tách nước để loại bỏ nước ngưng tụ trước khi khí nén vào hệ thống. Bộ tách nước giúp bảo vệ các thiết bị sử dụng khí nén và cải thiện chất lượng khí nén.
Sử dụng bộ làm mát trung gian và làm mát sau:
- Lắp đặt bộ làm mát: Sử dụng bộ làm mát trung gian giữa các cấp nén (để giảm nhiệt độ khí nén) và bộ làm mát sau (để giảm nhiệt độ của khí nén trước khi đưa vào sử dụng). Chọn bộ làm mát phù hợp với công suất và yêu cầu của hệ thống khí nén;
- Kiểm tra và bảo trì: Vệ sinh bộ làm mát thường xuyên để đảm bảo không bị tắc nghẽn. Kiểm tra và thay thế các bộ phận bị hư hỏng hoặc giảm hiệu suất.
Cải thiện chất lượng khí nén:
- Sử dụng bộ lọc khí: Lắp đặt các bộ lọc khí ở đầu vào và đầu ra của máy nén để loại bỏ tạp chất và bụi bẩn. Thay thế các bộ lọc khí định kỳ để duy trì hiệu suất lọc;
- Kiểm soát độ ẩm khí nén: Lắp đặt máy sấy khí để loại bỏ độ ẩm khí nén. Đảm bảo máy sấy khí được bảo trì và vận hành đúng cách để đạt hiệu suất tối ưu.
Khánh An