Friday, 08/11/2024 | 06:30 GMT+7

Sử dụng bàn là tiết kiệm điện

28/04/2015

Trong các gia đình ở khu vực thành thị, bàn là có thể chiếm tới 7% điện năng tiêu thụ hàng tháng. Việc sử dụng bàn là hợp lý sẽ góp phần tiết kiệm điện năng tiêu thụ và tiền điện phải chi trả hàng tháng.

Các loại bàn là gia dụng có công suất từ 900 – 2500 Watt. Trong các gia đình ở khu vực thành thị, bàn là có thể chiếm tới 7% điện năng tiêu thụ hàng tháng. Việc sử dụng bàn là hợp lý sẽ góp phần tiết kiệm điện năng tiêu thụ và tiền điện phải chi trả hàng tháng.

Lựa chọn bàn là:

Nên mua bàn là có các chế độ là tương ứng với các chất liệu vải khác nhau và có chức năng là hơi, công suất từ 600 – 800 Watt;

Tốt nhất là nên chọn loại bàn là đã có sẵn chế độ tiết kiệm điện, một rơ-le nhiệt tự động được thiết kế bên trong sẽ tự ngắt khi bàn là đạt đến độ nóng yêu cầu, và bật lại khi nhiệt độ giảm đi.

 

Sử dụng bàn là:

Hạn chế dùng bàn là vào giờ cao điểm hoặc đồng thời với các thiết bị điện có công suất lớn khác như bình nóng lạnh, máy điều hòa, lò sưởi…;

Nên gom quần áo để là chung một lần. Nếu gia đình sử dụng máy sấy quần áo thì nên là ngay sau khi sấy; 

Trước khi là nên phân loại quần áo, quần áo cùng chất liệu vải nên là cùng nhau, loại dày là trước, mỏng là sau để tận dụng nhiệt độ bàn là. Sử dụng nhiệt độ phù hợp với từng chất liệu vải, vừa tiết kiệm điện vừa tránh cho quần áo khỏi cháy do nhiệt độ quá cao. Sau khi ngắt điện bàn là, còn có thể là thêm được 2 bộ quần áo nữa vì nhiệt độ bàn là giảm chậm;

Không là quần áo bị ẩm ướt;

Với bàn là hơi thì tốt nhất là sử dụng nước đã đun sôi để tránh các loại khoáng chất đóng cặn sét gây tắc lỗ phun hơi nước hoặc bám lại bên trong bàn là làm bẩn quần áo và cản trở sự truyền nhiệt. Tuyệt đối không cho bất kỳ chất tạo mùi thơm nào vào bình chứa nước vì gặp nhiệt độ cao sẽ ăn mòn các thiết bị bên trong bàn là;

Không nên vặn núm hơi ngay khi vừa cắm điện, khi đó lượng hơi không đủ, nước chảy ra ở dạng giọt, gây ướt cục bộ, đồng nghĩa với việc tốn thời gian và điện để làm khô;

Sau khi là xong nên đổ nước thừa trong bình chứa bàn là để tránh sự đóng cặn bên trong bàn là;

Nếu mặt bàn là bị ma sát, do cặn bẩn bám vào, nên dùng khăn bông ẩm để vệ sinh, lau thật sạch từ lúc bàn là vẫn còn hơi ấm là dễ sạch nhất. Khi mặt bàn là bị gỉ, không nên dùng giấy nhám hoặc vật sắc nhọn để chà xát, dùng kem đánh răng, giấm hoặc dầu gió thoa lên bề mặt rồi lau sạch bằng vải mềm. Lau sạch bề mặt đế kim loại sẽ giúp bàn là điện hoạt động hiệu quả hơn cho những lần sau. 

TH