Thursday, 16/01/2025 | 12:06 GMT+7

Nhà tôi tiết kiệm điện

11/03/2015

Tiết kiệm điện là tiết kiệm tiền, bảo vệ nguồn năng lượng tài nguyên đồng thời góp phần giữ cuộc sống xanh xung quanh chúng ta.

Mảnh đất Quảng Trị nghèo khó đã nuôi tôi khôn lớn thành người. Nơi đây mùa Hạ thì nắng cháy da người, mùa mưa thì nước ngập tràn lênh láng, lụt lội triền miên. Năm nào cũng vậy, dải đất miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng phải oằn mình hứng chịu biết bao nỗi đau, mất mát từ thiên tai. Thương lắm Quảng Trị ơi! Nhưng chính mảnh đất này đã sinh ra những người con Quảng Trị thật thà, chân chất, sống chắt chiu từng miếng cơm manh áo. Và cho dù xã hội ngày càng phát triển đi lên thì tố chất ấy vẫn không thay đổi. Điều này tôi thấy ở mẹ tôi rất rõ.

Ngày cuối tuần tôi đưa các cháu về quê chơi và thăm mẹ. Cảnh vật làng quê bình yên vẫn thế làm tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều so với nhịp sống đô thị. Vừa đến nhà cất tiếng gọi mẹ, theo thói quen vừa cởi giày dép, mũ nón tôi bật quạt số lớn nhất để xua đi cái nóng gay gắt. Mẹ bảo "con tắt quạt đi, ra đây thưởng thức "quạt trời" này". Đúng thật, ra phía sau hè nhà hưởng gió nồm từ đồng ruộng thổi vào. Chao ôi, thật mát. 

Lâu lắm rồi tôi mới thưởng thức hương đồng gió nội, chứ ở thành phố, thị xã nhà cửa san sát nhau nên ít hưởng được cái gió trong lành này. Và đây cũng là cách mẹ tôi tiết kiệm điện vào mùa Hè. Mặc dù mỗi phòng đều có một cái quạt điện nhưng mẹ rất ít khi dùng, chỉ khi nào cần thiết. Còn lại tận dụng "quạt trời", các giường ngủ mẹ đều mở cửa thông thoáng để đón gió vào. Vì thế mỗi lần về nhà mẹ, tôi chìm vào giấc ngủ rất sâu.

Thấy trời tối, tôi mở đèn cho sáng, mẹ đi tắt hết, chỉ chừa đúng một bóng giữa nhà, lại còn "mắng" tôi: "Tiết kiệm điện con à, đến chỗ nào cần thiết thì bật, còn không thì thôi". Tôi nói với mẹ: "Mẹ ơi, đời sống bữa nay phát triển rồi, không như ngày xưa nữa, mẹ đừng tiết kiệm quá, phải tận hưởng để bù lại khoảng thời gian cực khổ trước đây chứ". Mẹ lại khuyên: "Lúc nào cũng tiết kiệm con à, kiến tha lâu cũng đầy tổ mà con". Tôi đành chịu thua và nghĩ rằng mẹ tôi là thế hệ trước nên cứ giữ cách nghĩ như vậy.

 Nhà tôi sử dụng bóng đèn compact để tiết kiệm điện.

Nhớ lại 20 năm về trước quê tôi đâu có điện đóm gì, người dân phải sống trong cảnh tăm tối, dùng ánh lửa bếp hoặc đèn dầu thắp sáng để sinh hoạt. Khổ nhất là học sinh như chúng tôi phải tranh thủ học từ sớm, nhiều khi học dưới ánh đèn dầu hại mắt lắm. Bây giờ nguồn sáng điện đã đem lại niềm vui, chấm dứt những năm tháng sống trong cảnh leo lét của ngọn đèn dầu. Vậy tại sao tôi không nhận ra giá trị của nguồn điện và sử dụng sao cho hợp lý nhỉ?

Ở nhà, lâu nay tôi sử dụng điện thoải mái đã quen, trước đây hai đứa con tôi mở tủ lạnh liên tục, còn nồi cơm để dây cắm suốt ngày, bóng đèn thì thắp sáng từ nhà trước tới nhà sau, thậm chí nhiều lúc vội đi làm quên tắt điều hòa... Một thời tôi còn có suy nghĩ: "Tắt đi một bóng đèn, một chiếc quạt cũng chẳng tiết kiệm bao nhiêu trong khi phải thay đổi này nọ, rất mất công!". Bởi thế, đến tháng tiền điện nhà tôi lên đến 500 - 600 nghìn đồng. Mỗi lần trả tiền điện tôi cũng xót lắm chứ, cũng một phần do lãng phí của mình những lúc không cần thiết. Thế là tôi bắt đầu thay đổi nhận thức mình phải tiết kiệm điện thôi. Vì tiết kiệm điện tức là tiết kiệm tiền, vừa có ích cho bản thân lại vừa có ích cho xã hội.

Tôi bàn với chồng sử dụng những bóng đèn compact thay cho đèn huỳnh quang, sợi đốt. Còn việc đun nước sôi tôi tận dụng củi than để đun nấu. Giặt quần áo thì giặt bằng tay trừ khi đau ốm. Quạt thì tôi sử dụng loại công suất thấp, phòng ngủ mở cửa thông thoáng, lúc không dùng tivi thì tắt nguồn. Trong tủ lạnh chỉ dùng để cất trữ những thứ đồ ăn cần bảo quản lạnh và luôn mở ở nhiệt độ đủ lạnh, còn những thức ăn không cần bảo quản lạnh và thường xuyên dùng trong ngày thì  để thoáng bên ngoài, hạn chế việc mở tủ lạnh liên tục gây hao điện. Vào giờ cao điểm nơi nào cần đèn chiếu sáng thì mới bật lên. Xuống nhà dưới thì tắt điện nhà trên và ngược lại...

Kết quả thật bất ngờ, chỉ việc cố gắng sử dụng các thiết bị điện sao cho hiệu quả mà gia đình tôi không phải thanh toán chi phí điện khá cao như trước đây. Vì thế, tiền điện gia đình tôi phải trả hằng tháng chỉ hết 250.000 đồng. Một con số giảm đáng kể có ý nghĩa rất lớn với gia đình tôi. Tôi rất vui vì mình đã thành công thực hành tiết kiệm điện. Thế là tôi học được đức tính tiết kiệm của mẹ tôi rồi đấy!

Là phụ nữ giữ tay hòm chìa khóa, nên tôi rất quan tâm đến việc hoạch toán chi tiêu trong gia đình. Tôi cũng đã vận động chồng, những người bà con họ hàng cùng nhau tiết kiệm điện, giáo dục cho các con biết lợi ích của điện và sự cần thiết phải tiết kiệm điện. Lúc đầu công việc này tôi cũng gặp phải phản ứng của nhiều người trong gia đình, cho rằng tôi là người ích kỷ, tiện tặn. Họ nói rằng "đời người sống bao lâu mà tiết kiệm".

Nhưng đến kỳ hóa đơn tiền điện đưa đến họ lại so sánh tại sao cùng 4 người, cùng có những tiện nghi sinh hoạt đồ điện như nhau mà sao nhà tôi ít tiền thế, mà họ thì nhiều. Từ đó họ cũng bắt đầu nhận thức tiết kiệm điện như tôi. Có lần tôi quên tắt điện trong nhà vệ sinh, cậu con trai đi học về thấy thế liền thốt lên "Tắt khi không sử dụng", "Mẹ không thấy trên ti vi nói à". Tôi cười và đáp "Mẹ quên mất, thế là con giúp mẹ tiết kiệm điện rồi đấy".

Tôi là một giáo viên, ngoài tiết kiệm điện ở gia đình, theo thói quen, mỗi khi ra khỏi lớp học tôi cũng dặn dò học sinh của mình tắt quạt, tắt đèn. Học sinh bảo "Cô ơi! công việc này là của chú bảo vệ". Tôi đáp lại "Nếu các em cứ nghĩ như vậy thì mỗi tháng nhà trường trả mấy triệu tiền điện các em biết không?". Dần dần việc tắt điện trước khi ra khỏi lớp đã trở thành thói quen với nhiều học sinh. Tôi rất vui khi có nhiều học sinh hiểu được tiết kiệm điện có ý nghĩa đến nhường nào. Và như thế tôi đã góp phần giáo dục cho các em ý thức tiết kiệm điện ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Thật vậy, "tiết kiệm" là một đề tài muôn thuở, vào thời đại nào, dù cuộc sống ra sao, dù nghèo hay giàu thì mỗi chúng ta ai cũng cần sống tiết kiệm. Bởi vì cha ông ta thường nói "Ăn phải dành, có phải kiệm", "Tiết kiệm là quốc sách". Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức  Hồ Chí Minh" về thực hành tiết kiệm, chống  lãng phí. Theo Hồ Chí Minh, tiết kiệm "là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi". Và đó là cách để rèn luyện và tu dưỡng đạo đức con người, theo Bác "Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một đức thì không thành người". Vậy tại sao ta không học tập và làm theo Người.

Cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều khi con người sống biết chia sẻ với nhau. Đất nước ta nhiều nơi còn nghèo lắm, nhất là những vùng nông thôn, rừng núi, hải đảo xa xôi khi mà ánh sáng điện chưa có ở đây. Chúng ta tiết kiệm điện có nghĩa là chia sẻ một phần ánh sáng cho những nơi ấy rồi đấy. Tôi mong rằng, qua bài viết này tôi muốn chia sẻ đến mọi người sự cần thiết của tiết kiệm điện, tức là tiết kiệm và bảo vệ nguồn năng lượng tài nguyên quốc gia cũng chính là góp phần giữ cuộc sống xanh xung quanh chúng ta.

 

Theo Cadn.com.vn