Wednesday, 22/01/2025 | 18:02 GMT+7

Chọn mức nước, bột giặt và những cách giúp tiết kiệm điện cho máy giặt

27/02/2020

Cùng tham khảo một số mẹo khi sử dụng máy giặt để giúp bạn tiết kiệm tối đa chi phí điện, nước tiêu thụ, lại giúp máy hoạt động hiệu quả, bền lâu.

Cùng tham khảo một số mẹo khi sử dụng máy giặt để giúp bạn tiết kiệm tối đa chi phí điện, nước tiêu thụ, lại giúp máy hoạt động hiệu quả, bền lâu.

Máy giặt là một trong những thiết bị không thể thiếu trong cuộc sống gia đình hiện đại, giúp chúng ta tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức để giặt tay như trước kia. Tuy nhiên do phải sử dụng hàng ngày nên máy giặt cũng khá tốn điện, đặc biệt là khi chúng ta dùng không đúng cách.

Mức nước thế nào là phù hợp?

Đa số các dòng máy giặt hiện đại ngày nay sở hữu 3-5 mức nước tương ứng với mỗi chu trình giặt, thường được đánh dấu bằng biểu tượng phát sáng để người dùng dễ theo dõi.

Ở một số máy giặt, mức nước sẽ tự động được điều chỉnh tùy theo trọng lượng và loại quần áo mà bạn chọn trên bảng điều khiển. Tuy nhiên, vẫn có một số loại máy giặt yêu cầu người dùng tự điều chỉnh mức nước phù hợp.

Theo đó, nếu quần áo ít thì chỉ nên chọn mức nước thấp. Trong khi đó, nếu bạn cần giặt chăn, ga, vỏ gối, thì nên đặt ở mức cao nhất.

Việc chọn mức nước phù hợp với lượng quần áo cần giặt không chỉ giúp tiết kiệm nước mà còn giúp giặt nhanh hơn, đồng nghĩa với việc tiết kiệm điện hơn.

Lượng bột giặt cũng ảnh hưởng tới tiêu thụ điện

Một số người dùng không lưu ý đến lưu lượng bột giặt thêm vào. Hệ quả là nếu thêm ít, quần áo sẽ không sạch hết vết bẩn; Nếu thêm nhiều, máy vừa phải hoạt động lâu, quần áo lại chưa sạch hết bột giặt do ngấm quá nhiều.

Theo đó, nên sử dụng bột giặt với lượng vừa đủ, tương ứng với lượng quần áo cần giặt. Việc sử dụng lượng bột giặt vừa phải sẽ giúp tăng hiệu quả giặt, tiết kiệm điện và nước.

Nên chọn loại bột giặt dành cho máy giặt. Loại bột giặt này không chỉ mang lại hiệu quả giặt tẩy cao hơn những loại bột giặt thông thường khác, mà còn giúp bảo vệ máy. Bột giặt này tạo ít bọt nên sẽ không để lại nhiều cặn bột giặt trên quần áo.

Với những bộ quần áo hoặc vớ, giẻ lau,... quá bẩn, dính vết dầu mỡ, bạn nên vò trước rồi mới cho vào máy giặt, tránh giải quyết bằng việc cho quá nhiều bột giặt vì sẽ không có hiệu quả triệt để.

Nếu có nước xả vải, bạn cũng nên sử dụng hợp lý để tiết kiệm hiệu quả hơn. Thời điểm tốt nhất để cho nước xả vào là khi máy thực hiện chu trình cuối. Lúc này, bạn có thể dừng máy trong khoảng 10 phút để quần áo được ngấm nước xả tốt hơn.

Không giặt quá tải

Thông thường, chỉ nên cho vào máy giặt số quần áo tương ứng khoảng 70% đến 80% công suất máy để có thể đạt hiệu quả giặt tối ưu, cũng như tiết kiệm điện và giúp máy bền lâu.

Thí dụ như đối với máy giặt 7 kg, thì tốt nhất chỉ nên giặt tối đa mỗi lần khoảng từ 5 - 6 kg quần áo, và tuyệt đối không cho nhiều hơn 7 kg. Nếu giặt quá tải, máy sẽ phải làm việc nhiều hơn, từ đó tốn điện hơn. Chưa kể tới việc trọng lượng đè nặng lên trục quay khiến máy dễ xảy ra hỏng hóc, mà lại kém sạch.

Tránh sử dụng chế độ tự động

Thông thường, các dòng máy giặt hiện đại sẽ tự động ước lượng quần áo để chọn chu trình giặt thích hợp. Tuy nhiên theo lời khuyên của một số chuyên gia, chu trình tự động này có thể gây tốn nhiều nước và thời gian hơn so với mức cần thiết.

Chính vì thế, tốt nhất bạn nên tự chọn chu trình giặt để tiết kiệm hơn, lại phù hợp với nhu cầu của mỗi gia đình.

Lựa chế độ vắt phù hợp

Chế độ vắt trên máy giặt thường đi kèm với chương trình đã được cài đặt. Tuy nhiên như đã đề cập bên trên, chế độ tự động của máy giặt đôi khi khiến bạn tốn nhiều thời gian và điện tiêu thụ hơn so với nhu cầu thực tế. Do đó nếu muốn quần áo khô nhanh và hiệu quả, bạn nên chọn chế độ vắt hợp lý.

Thí dụ như đối với quần áo dày, chăn, ga, gối, nệm,... bạn nên chọn chế độ vắt cực khô để tiết kiệm thời gian hơn. Còn đối với những quần áo mỏng, nhẹ thì nên chọn chế độ vắt thấp hơn nhưng vẫn giúp quần áo khô nhanh.

Nguồn: Dân trí