Friday, 08/11/2024 | 02:43 GMT+7
Sản phẩm đèn bẫy công trùng năng lượng mặt trời của hai nữ sinh Lạng Sơn
Chiếc đèn thắp sáng nhờ năng lượng mặt trời được thiết kế như một chiếc bẫy tiêu diệt côn trùng hiệu quả mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người đồng thời lại rẻ tiền do tận dụng nguồn năng lượng từ mặt trời.
Đây là sản phẩm do nhóm tác giả trường dân tộc bán trú Kiên Mộc (huyện Đình Lập, Lạng Sơn) nghiên cứu.
Nói về ý tưởng của mình, các tác giả trẻ cho biết ý tưởng bắt nguồn từ chính quan sát thực tế. Thấy bà con nông dân khổ sở về nạn côn trùng tấn công đồng ruộng không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, gây ô nhiễm môi trường do phải sử dụng nhiều hóa chất độc hại để diệt côn trùng.
Do đó hai nữ học sinh Lường Thị Thêm và Lộc Thị Hường, đã mày mò nghiên cứu sáng chế bẫy côn trùng chạy bằng năng lượng mặt trời. Sáng tạo đã được thử nghiệm ngay tại xã Kiên Mộc và bước đầu được bà con nông dân phản hồi rất tích cực.
Giải thích về quy trình “bẫy” côn trùng, Thêm cho hay, thiết bị làm việc hoàn toàn tự động dựa vào cảm biến ánh sáng. Ban ngày, khi có ánh sáng chiếu vào, cảm biến ánh sáng sẽ mở mạch điện nối với các bóng đèn khiến đèn sẽ tắt. Đêm xuống không còn ánh sáng, thiết bị cảm biến ánh sáng sẽ tự động đóng mạch điện, để thắp sáng đèn led thu hút côn trùng. Trong quá trình di chuyển xung quanh đèn, côn trùng va vào bóng và chao đèn phản quang rơi xuống phễu hứng, bên dưới có bình chứa nước khiến côn trùng không thể bay lên được và bị rơi xuống nước.
Thiết bị được thiết kế đơn giản, an toàn, bóng đèn led được thắp sáng bằng năng lượng từ ắc quy tích trữ được chuyển hóa từ các tấm pin năng lượng mặt trời gắn phía trên đèn. Ban ngày có ánh sáng mặt trời, pin năng lượng mặt trời sẽ chuyển hóa quang năng thành điện năng, tự động nạp vào tích trữ trong ắc quy.
Đèn bẫy côn trùng bằng năng lượng mặt trời được Trung ương Đoàn và Bộ Công Thương trao giải Khuyến khích tại cuộc thi “Thanh thiếu niên tham gia đề xuất các giải pháp và ý tưởng sáng tạo tiết kiệm” năm 2015.
Đặng Hải