Sunday, 05/01/2025 | 13:23 GMT+7
Dưới đây là một số cách tiết kiệm điện hiệu quả mà không làm ảnh hưởng tới nhu cầu sinh hoạt mỗi ngày.
Thực hiện chỉ thị cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ kéo dài từ 1/4 đến hết ngày 15/4, nhu cầu sử dụng điện của người dân đã tăng đột biến do dành phần lớn thời gian ở nhà thay vì tới chỗ làm, các địa điểm công cộng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các thiết bị điện một cách "vô tội vạ" hoặc thiếu kiểm soát trong khâu tiết kiệm đã khiến nhiều hộ gia đình đối mặt với hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng vọt so với những tháng trước.
Bạn đọc có thể tham khảo trong bài viết dưới đây về một số mẹo tiết kiệm điện hiệu quả, dễ thực hiện, và quan trọng là không làm ảnh hưởng quá nhiều tới nhu cầu sinh hoạt mỗi ngày.
1. Giảm độ sáng màn hình của TV, laptop
Giãn cách xã hội khiến nhu cầu sử dụng TV, laptop, máy tính để bàn tăng vọt nhằm phục vụ nhu cầu giải trí, trông con, hoặc làm việc từ xa. Đây là nguồn tiêu thụ điện rất lớn, nhưng lại khó cắt giảm.
Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh TV, laptop về chế độ hợp lý mà vẫn đảm bảo được nhu cầu sử dụng. Điển hình trong đó là độ sáng màn hình nên được đặt ở mức vừa phải, thay vì quá cao, sẽ tiết kiệm điện hơn đáng kể.
Để làm được điều này, bạn nên đặt TV ở góc tối nhất trong căn phòng thay vì bên cạnh các nguồn sáng lớn như cửa sổ, cửa kính vì điều này sẽ khiến TV phải điều chỉnh độ sáng cao hơn mới thấy rõ.
Tương tự với laptop, nên sử dụng chúng để làm việc trong căn phòng tối hoặc một góc ít bị ánh sáng chiếu trực tiếp. Điều này sẽ giúp bạn giảm tối thiểu độ sáng mà vẫn quan sát được các nội dung hiển thị trên màn hình.
2. Chế độ chờ của TV, laptop
Không ít người có thói quen để laptop và TV ở chế độ chờ. Tuy nhiên dù là ở chế độ chờ, máy vẫn phải tiêu thụ một lượng điện năng nhất định.
Do đó, bạn nên cân nhắc tắt hoàn toàn thiết bị và rút phích cắm khỏi ổ khi không có nhu cầu sử dụng trong thời gian kéo dài một vài tiếng đồng hồ.
3. Sử dụng smartphone để thay thế
Ngày nay, chiếc smartphone có thể thay thế gần như mọi chức năng của TV với một mức tiêu thụ điện thấp hơn đáng kể.
Theo đó, thay vì xem các bản tin thời sự trực tiếp trên TV, người dân có thể truy cập ứng dụng truyền hình trên smartphone Android, iOS.
Với nhu cầu xem phim, có thể truy cập các ứng dụng như Netflix, HBO,... Với nhu cầu nghe nhạc, có thể bật một số ứng dụng phát nhạc mp3 thay vì bật cả một chiếc TV để phát nội dung YouTube, sẽ rất tốn điện.
4. Tiết kiệm điện với tủ lạnh, tủ đông
Đối với tủ lạnh, tủ đông, bạn có thể tăng hoặc giảm mức nhiệt dựa trên các chế độ sẵn có để tiết kiệm điện, chứ không cần lúc nào cũng chọn chế độ cao nhất. Trên một số dòng tủ lạnh có chế độ Eco (tiết kiệm điện). Bạn nên bật chức năng này để giảm chi phí tiền điện mỗi tháng.
Thay vào đó, cũng nên cân nhắc sử dụng dung tích tủ lạnh nhỏ đối với gia đình ít người, vì nếu tủ quá lớn, lượng khí lạnh sẽ cần nhiều hơn và tiêu tốn điện năng nhiều hơn.
5. Tận dụng ánh sáng tự nhiên
Ánh sáng tự nhiên là nguồn sáng quý giá và nên được tối ưu. Cụ thể, hãy mở mọi cửa sổ và cửa kính, cửa ra vào nếu chúng đón được ánh sáng mặt trời thay vì phải sử dụng đèn điện.
Việc sử dụng màu sơn của tường hay là các nội thất trong nhà có tông màu sáng cũng mang đến những hiệu quả mà chúng ta không thể ngờ tới trong việc tiết kiệm điện.
Tông màu sáng của tường hay các thiết bị nội thất trong nhà sẽ giúp phản ánh sáng tốt hơn, và hạn chế tối đa việc thắp đèn chiếu sáng. Bên cạnh đó, những căn phòng có tông màu sáng cũng sẽ giúp chúng đỡ bị tình trạng hấp thụ nhiệt mỗi khi bị ánh mặt trời chiếu trực tiếp.
6. Tránh cắm nồi cơm điện qua đêm
Không nên nấu cơm bằng nồi cơm điện quá sớm, chỉ nên nấu cơm trước khi ăn khoảng từ 30 đến 45 phút để giảm thời gian hâm nóng. Bên cạnh đó, nhớ tắt nồi cơm điện sau khi đã sử dụng xong, tránh duy trì chế độ hâm nóng suốt ngày đêm vừa lãng phí điện, vừa không mang lại tác dụng gì.
Người dùng cũng nên lau chùi sạch đáy nồi cơm và mâm nhiệt của nồi cơm điện để điện tiếp xúc tốt hơn, tránh lãng phí điện.
7. Tránh sử dụng chế độ tự động trên máy giặt
Thông thường, các dòng máy giặt hiện đại sẽ tự động ước lượng quần áo để chọn chu trình giặt thích hợp. Tuy nhiên theo lời khuyên của một số chuyên gia, chu trình tự động này có thể gây tốn nhiều nước và thời gian hơn so với mức cần thiết.
Chính vì thế, tốt nhất bạn nên tự chọn chu trình các bước gồm giặt, vắt, xả,... sao cho phù hợp với nhu cầu của mỗi gia đình để tiết kiệm hơn.
Ngoài ra, cũng cần tránh giặt quá nhiều quần áo trong một lần giặt. Cụ thể, bạn chỉ nên cho vào máy giặt số quần áo tương ứng khoảng 70% đến 80%. Thí dụ như đối với máy giặt 7kg thì chỉ nên giặt tối đa từ 5-6 kg quần áo.
Việc này giúp công suất máy giặt đạt hiệu quả giặt tối ưu, cũng như tiết kiệm điện và giúp máy bền lâu.
8. Tránh bật bình nóng lạnh cả ngày
Rơ le nhiệt trong bình nóng lạnh có tác dụng tự ngắt khi nước đủ nóng, nhưng nó cũng đồng thời tự động đóng điện cho thanh đun nếu nhiệt độ nước trong bình xuống thấp, nhằm duy trì nhiệt độ.
Thêm nữa, việc cắm điện suốt 24/24 giờ làm cho dây may so nhanh hỏng vì phải hoạt động nhiều dễ quá tải, cháy nổ. Đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bình nóng lạnh bị rò điện. Vì vậy chỉ nên bật bình nóng lạnh trong vòng 10-20 phút và phải tắt nguồn điện trước khi sử dụng.
Theo: Báo Dân trí