Quạt thông gió và quạt hút mùi là các thiết bị phổ biến trong mỗi gia đình, có tác dụng thanh lọc không khí, giúp không khí trong lành và dễ chịu. Các thiết bị này có thể được lắp đặt ở nhiều vị trí khác nhau trong ngôi nhà của bạn như: nhà bếp, nhà vệ sinh, phòng tắm… Quạt thông gió, quạt hút mùi không chỉ an toàn, thân thiện với môi trường sống mà còn có tác dụng bảo vệ sức khỏe của gia đình.
1. Quạt thông gió
Hiện nay, trên thị trường có 2 loại quạt thông gió chính là quạt thông gió 1 chiều và quạt thông gió 2 chiều. Người sử dụng cần nắm rõ nhu cầu sử dụng cũng như đặc điểm của từng loại quạt thông gió để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.
Quạt thông gió 1 chiều: Chỉ có chức năng hút theo 1 chiều thuận (từ trước ra sau) để đẩy không khí cũ ra ngoài và cho không khí mới tràn vào phòng hoặc hút theo 1 chiều nghịch (từ sau ra trước) để đưa không khí mới tràn vào phòng và đẩy không khí cũ ra ngoài.
Quạt thông gió 2 chiều: Kết hợp cả chức năng hút và thổi theo 2 chiều thuận nghịch nên vừa khử mùi, vừa cung cấp không khí tươi nhanh chóng, liên tục, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cần lựa chọn đúng loại quạt thông gió (quạt cho nhà bếp, quạt nhà vệ sinh…) với lưu lượng gió phù hợp với đặc điểm và diện tích không gian cần thông gió. Lưu ý về công suất và tốc độ vòng quay của quạt thông gió. Công suất càng nhỏ thì quạt càng tiết kiệm điện, tốc độ vòng quay càng nhỏ thì quạt chạy càng êm.
Hiện có loại quạt thông gió có màn che và không có màn che. Nên sử dụng loại có màn che để giữ vệ sinh và bền cho quạt.
Để sử dụng quạt thông gió an toàn, tiết kiệm điện, người sử dụng cần lắp đặt quạt theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất; Chỉ nên bật quạt ngay trước khi bắt đầu sử dụng và tắt quạt sau khi không dùng nữa;Thường xuyên lau chùi để quạt thông gió luôn được sạch sẽ, giúp tăng tuổi thọ cho quạt, hiệu suất hoạt động của quạt cao hơn, tiết kiệm chi phí khi sử dụng và thay thế.
2. Quạt hút mùi
Trên thị trường hiện có 3 loại quạt hút mùi chính gồm quạt hút mùi khử mùi tuần hoàn, quạt hút mùi và quạt hút mùi kết hợp. Trong đó, quạt khử mùi tuần hoàn có đặc điểm là không cần lắp ống thoát khí, dễ lắp đặt nhưng phải thay tấm lọc thường xuyên; Quạt hút mùi cần có ống thoát khí ra bên ngoài, hút mùi và hơi nóng tốt hơn loại tuần hoàn; Quạt hút mùi kết hợp là loại phổ biến nhất trên thị trường, đây là loại quạt hút mùi có đường thoát khí ra ngoài và có thêm van để đảo hướng gió tuần hoàn.
Khi lựa chọn quạt hút mùi, cần lưu ý đến công suất của máy. Công suất hút mùi tầm khoảng từ 350 - 1.220 m³/h. Với quy mô gia đình, tốt nhất chỉ nên mua máy có công suất hút tầm từ 800 - 1.000 m³/h là vừa đủ.
Ngoài ra, cần chọn quạt hút mùi có thương hiệu uy tín để được đảm bảo về chất lượng, tính năng cũng như độ bền của sản phẩm; Chú ý các tính năng đi kèm như: tự ngắt điện nếu quá nhiệt, chống bám dầu mỡ, lắp thêm cánh phụ để giảm tiếng ồn, cửa sổ tự đóng mở.
Khi so sánh các loại quạt, nên chọn quạt có tỷ số lưu lượng/công suất cao hơn vì sẽ có hiệu năng hoạt động cao hơn. Trong đó lưu lượng thường được tính bằng m³/giờ và công suất quạt tính bằng Watt.
Kích thước hộp quạt trên bếp | Lưu lượng |
60 - 70 cm (tương đương với bếp đôi hoặc bếp 3) | 500 đến 650 m3 /giờ |
90 cm (tương đương với bếp 4) | 750 đến 1000 m3 /giờ |
Không nên chọn loại khử tuần hoàn vì không phù hợp với tập quán nấu ăn và điều kiện khí hậu ở Việt Nam; Đồng thời, chọn mua quạt có kết cấu đơn giản, dễ dàng tháo - lắp khi cần vệ sinh và bảo dưỡng.
Để sử dụng quạt hút mùi tiết kiệm điện năng, cần căn cứ vào cách nấu nướng để điều chỉnh quạt hút mùi cho phù hợp, từ đó tiết kiệm điện năng tối đa. Không nên lạm dụng tốc độ cao nhất gây lãng phí điện; Bật quạt với tốc độ vừa đủ tương ứng với số bếp đang nấu, độ lớn của ngọn lửa/nhiệt độ bếp và loại món ăn đang nấu. Với các món đơn giản như súp, canh hay rau luộc chỉ cần bật chế độ thấp nhất và chỉ nên bật tốc độ cao hơn khi nấu các món nặng mùi và nhiều mỡ như nướng, chiên hay xào; Thường xuyên vệ sinh quạt hút mùi, cụ thể nên vệ sinh lưới lọc 2 tháng/lần để tăng hiệu quả lọc.
Tố Quyên