Monday, 23/12/2024 | 11:50 GMT+7

Sấy quần áo đúng cách mà vẫn bền đẹp, tiết kiệm điện

15/10/2024

Chọn sấy quần áo bằng tủ hay máy, công suất như thế nào, sấy chung hay sấy riêng đồ, bật máy sấy qua đêm hay chỉ giới hạn thời gian... là điều người dùng cần nắm rõ để quần áo vẫn bền đẹp, tiết kiệm điện.

Chọn tủ sấy hay máy sấy?
Rét đậm rét hại thời gian dài kèm theo mưa khiến việc giặt và phơi đồ ở các gia đình thành phố, với diện tích nhà chật chội trở nên nan giải. Sống ở đô thị, do có diện tích phơi phóng hạn chế nên sẽ là "cực hình" trong việc giặt và phơi quần áo khi thời tiết rét buốt kéo dài kèm mưa. Đối với gia đình có trẻ nhỏ, khi quần áo luôn thay ra với số lượng lớn, nhưng lại không kịp thời để giặt và làm khô. Nếu sơ ý để trẻ nhỏ mặc quần áo ẩm, hay dính sương buổi tối sẽ làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh như cảm lạnh, viêm phổi.
Nhiều gia đình đã tìm đến các thiết bị hỗ trợ sấy quần áo như tủ sấy, hay những máy sấy. Tuy nhiên, mỗi loại đều có ưu nhược điểm riêng, và người dùng nên cân nhắc để chọn được thiết bị hợp nhu cầu sử dụng.
TS Trần Đức Vinh, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, tủ sấy quần áo có giá thành rẻ, chỉ khoảng từ vài trăm đến một triệu đồng. Đa số các mẫu tủ sấy đều có kích thước nhỏ gọn, dễ lắp đặt và bố trí trong căn hộ hạn hẹp diện tích. Trong khí máy sấy quần áo có kích thước lớn hơn do thiết kế tương đồng với máy giặt cửa ngang, chiếm nhiều diện tích hơn, và chi phí cũng đắt đỏ hơn khá nhiều. Trung bình một máy có chức năng sấy, nếu rẻ nhất cũng trên 6 - 10 triệu đồng.
Tuy nhiên về hiệu quả và an toàn thì máy sấy quần áo chuyên dụng được chuyên gia khuyến cáo sử dụng nhiều hơn. Nguyên lý hoạt động của tủ sấy quần áo dựa vào nguyên lý đối lưu nhiệt. Khi tủ sấy quần áo hoạt động, nó tạo ra luồng không khí nóng và đẩy không khí này vào lồng giặt chứa quần áo. Trong quá trình này, nhiệt độ của không khí tăng lên và tác động lên quần áo, làm cho nước trong quần áo chuyển từ trạng thái lỏng sang hơi, sau đó hơi ẩm sẽ được tiết hợp ra ngoài tủ thông qua ống thoát.
Theo chuyên gia, thiết bị sấy quần áo tốn khá nhiều điện và hại vải nếu không được sử dụng đúng cách. Dù là dùng tủ sấy hay máy sấy thì chỉ cho quần áo đã được giặt sạch và vắt khô vào máy sấy. Quần áo càng ướt thì thời gian sấy càng lâu rất tốn điện. Bỏ quần áo vào đủ khối lượng cho phép theo công suất của máy sấy, thường khoảng 2/3 lồng máy, không nên chỉ sấy ít một sẽ rất lãng phí điện năng. Tuy nhiên cũng không để máy sấy bị quá tải, nhét đầy lồng máy. Lượng quần áo quá nhiều so với công suất của máy cũng sẽ tốn năng lượng, hơn nữa quần áo cần có không gian để được sấy khô nhanh hơn và giảm nhăn.
Chuyên gia khuyến cáo, trước khi đưa quần áo vào máy sấy cần kiểm tra và lấy hết những vật có trong túi, những vật như kẹp, bút mực, đinh và kim… bởi những vật này có thể làm hư hóng máy sấy và quần áo. Đặc biệt, các loại vải bông rất nhạy cảm với nhiệt độ nên chỉ sấy ở chế độ gió, không nên sấy ở chế độ nhiệt độ cao. Lưu ý, nếu quần áo có dính dầu mỡ mà đưa vào máy sấy có thể gây cháy.
Có thể dùng giấy thơm ủ sấy quần áo cho vào máy sấy cùng với quần áo, mỗi tờ dùng cho khoảng 10-12 bộ quần áo. Giấy này không những giúp làm mềm và thơm quần áo mà còn giúp giảm tĩnh điện trong quần áo, nếu không lúc gấp quần áo có thể bạn sẽ cảm thấy như bị điện giật nhẹ.
Dấu hiệu cần bảo dưỡng máy sấy
Máy sấy là sản phẩm hiện khá phổ biến trong các gia đình song một thói quen nhiều người gặp phải là không thể nhận biết khi nào máy cần bảo dưỡng. Theo chuyên gia Trần Đức Vinh, dấu hiệu đầu tiên cảnh báo máy sấy gặp vấn đề là tiếng động và mùi lạ. Nếu phát hiện ra tiếng động như tiếng rít hay tiếng đập của những con ốc, các bộ phận... thì nhất thiết phải bảo dưỡng máy.
Bên cạnh tiếng ồn là mùi bất thường xuất hiện. Mùi có thể xuất hiện trong lồng hoặc cửa máy, từ đó ám lên quần áo, gây bất tiện cho người dùng. Nguyên nhân lý giải cho việc máy sấy quần áo có mùi bất thường phổ biến nhất chính là do máy không được vệ sinh sạch sẽ. Tuy nhiên, nếu mùi bất thường đó là mùi khét, thì có thể thứ gì đó bên trong đã bị hư hỏng và nó tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ. Các chuyên gia cho hay, một khi phát hiện mùi khét trong thiết bị của mình, việc cần làm ngay là ngắt nguồn điện và gọi đơn vị sửa chữa để giải quyết nhanh chóng.
Một dấu hiệu bất thường khác mà quần áo không khô hoàn toàn sau khi sấy. Bên cạnh việc sấy không khô, quần áo khi xử lý xong có mùi hôi, hoặc vẫn còn đọng nhiều chất bẩn cũng là dấu hiệu đáng lo ngại. Khi quần áo không thể được làm khô sau một chu trình, có thể là các bộ phận bên trong máy sấy đã bị mòn và cần được thay thế, hoặc hệ thống thông gió đang bị tắc, khiến thiết bị của bạn không thể thoát không khí nóng ra ngoài.
Nếu cứ tiếp tục sử dụng, không những thiết bị không đem lại hiệu quả mà còn gây lãng phí điện năng. Đặc biệt là khi vào thời tiết nồm ẩm, nó còn dẫn tới nguy cơ xuất hiện nấm mốc bên trong máy cũng như quần áo người dùng. Chuyên gia cho biết, thông thường tuổi thọ một thiết bị điện tử có thể kéo dài từ 6 - 10 năm, tùy vào tùy dòng, loại máy cũng như cách mà người dùng sử dụng chúng mỗi ngày.
Thời gian được khuyến cáo để bảo dưỡng máy sấy là khoảng 3-4 tháng/lần. Bạn cần kiểm tra, bảo dưỡng máy để máy luôn đạt hiểu quả tốt nhất. Còn về vấn đề vệ sinh thì nên thực hiện hàng tuần.
Một số lưu ý khi sấy quần áo là nên dùng nhiệt độ cao cho quần jean, khăn tắm, khăn vải nặng khác; nhiệt độ trung bình cho các vật liệu tổng hợp như polyester; và nhiệt độ thấp cho các món đồ như đồ lót, vải lông mềm. Không cho thêm quần áo ướt vào máy đang sấy dở quần áo, điều này sẽ khiến ẩm kế trong máy không đo được chính xác độ ẩm, quần áo có thể bị ẩm hoặc quá khô. Nhớ luôn đóng cửa máy sấy trong suốt quá trình sấy, mỗi khi mở cửa không khí nóng sẽ thoát ra và máy sẽ cần thêm thời gian để hoàn thành chu trình sấy.
Không sấy quần áo quá khô (nhiệt độ quá cao và thời gian dài), vừa hại quần áo vừa tốn điện, khiến quần áo bị nhăn. Khi sấy quá lâu, hơi nóng từ nhiệt độ cao làm giảm hơi ẩm trên quần áo, khiến cho quần áo bị co rút lại, nhất là với các loại vải cotton. Sấy càng khô thì đồ có độ nhăn càng cao, nên nếu không cần thiết, nên sấy ở chế độ thấp.
Nếu có thể sắp xếp thời gian để là/ủi quần áo ngay sau khi sấy nên chọn thời gian sấy ít hơn. Khi đó quần áo vẫn còn hơi ẩm sẽ dễ là/ủi hơn, lại tiết kiệm điện. Một điểm cần lưu ý nữa là cần vệ sinh lưới lọc bông vải thường xuyên, đây cũng là cách giúp tránh lãng phí thời gian sấy và tiết kiệm điện năng tiêu thụ.
Theo: suckhoedoisong.vn