Monday, 18/11/2024 | 13:51 GMT+7
Theo kịch bản lạc quan nhất, năng lượng tái tạo có thể sẽ cung cấp 80% tiêu thụ năng lượng trên thế giới vào năm 2050, cũng được xác định là những giải pháp để chống lại biến đổi khí hậu.
Phát biểu trước báo giới tại Abou Dhabi, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Chủ tịch Nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Giec) ngày 9/5 nhấn mạnh, báo cáo của Giec về vấn đề này có tầm quan trọng lớn vì năng lượng tái tạo sẽ được phát triển trên toàn thế giới trong những năm tới.
Trong 1 thông cáo báo chí, Giec cho biết trong số 164 kịch bản được xem xét, kịch bản lạc quan nhất là năng lượng tái tạo (mặt trời, thủy lợi, địa nhiệt, gió...) sẽ đáp ứng được ít nhất 77% nhu cầu năng lượng thế giới vào năm 2050.
Trong trường hợp xấu nhất, năng lượng tái tạo cũng sẽ gốp phần đáp ứng 15% nhu cầu thế giới do các chính sách về năng lượng không được thực hiện.
Tuy nhiên, mọi kịch bản đều thiên về việc năng lượng tái tạo sẽ được sử dụng ngày một nhiều hơn. Theo Giec, phần lớn các kịch bản đều cho rằng đến năm 2050, đóng góp của năng lượng tái tạo cho nguồn cung năng lượng có tiết độ cácbon sẽ cao hơn nguồn cung năng lượng nguyên tử hay hóa thạch.
Dù đang phát triển mạnh, nhưng năng lượng tái tạo hiện chỉ chiếm dưới 13% tổng
cung cấp năng lượng thế giới năm 2010, so với 85% năng lượng hóa thạch (than, dầu
khí) nhưng lại có lượng khí thải cao gây ra biến đổi khí hậu và 2% từ năng lượng
nguyên tử.
Giáo sư Ottmar Edenhofer, đồng Chủ tịch các nhóm công tác của Giec, nhấn mạnh mọi quan điểm được đưa ra để giảm lượng khí thải cho thấy năng lượng tái tạo sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo của Giec, đầu tư để phát triển năng lượng tái tạo chỉ chiếm chưa đến 1% GDP thế giới đến năm 2050. Đây là một con số vô cùng ý nghĩa, điều này chứng tỏ phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo nằm trong tầm tay của chúng ta./.
Theo TTX VN