Friday, 15/11/2024 | 16:28 GMT+7

Kinh nghiệm thế giới nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng:

19/07/2011

Kinh nghiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả từ các nước trên thế giới hy vọng sẽ là bài học bổ ích cho Việt Nam.

Theo dự báo, với tốc độ tăng trưởng khai thác và sử dụng năng lượng ở nước ta như hiện nay, không bao lâu nữa các nguồn năng lượng của Việt Nam sẽ trở nên cạn kiệt. Kinh nghiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả từ các nước trên thế giới hy vọng sẽ là bài học bổ ích cho Việt Nam.

08ea95d1a_nhatnl.jpg

Hiệu quả sử dụng năng lượng ở Nhật Bản là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam


CHLB Đức - Xây dựng nền kinh tế “năng lượng xanh”


CHLB Đức là nước đầu tiên trên thế giới xây dựng chiến lược nền kinh tế “năng lượng xanh”. Lộ trình thực hiện kế hoạch xanh của Đức có nhiều giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Cụ thể, đến năm 2020, dự kiến 30% lượng điện tiêu thụ của Đức có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo. Trong đó, năng lượng gió sẽ đóng góp nhiều nhất (15%), năng lượng sinh học 8%, thủy năng 4%. Năm 2030, nước Đức sẽ có tới 50% năng lượng điện tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo. Dự báo khoảng 20 năm nữa, một “mạng lưới thông minh” kết nối với toàn bộ mạng lưới điện châu Âu sẽ được thiết lập.

Cũng theo lộ trình trên, năm 2020, xe hơi điện ở Đức sẽ sử dụng pin sạc bằng năng lượng tái tạo, nhằm giảm nhu cầu về xăng dầu và lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo đó, nước này sẽ nỗ lực để trở thành cường quốc công nghiệp đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% “năng lượng xanh” tái tạo và hướng tới “mục tiêu xanh” vào năm 2050.

Theo các nhà nghiên cứu, Đức hoàn toàn có thể thực hiện được lộ trình “năng lượng xanh” bởi nước này có nhiều tài nguyên năng lượng tái tạo. Riêng tài nguyên gió ở Đức đã và đang được khai thác tốt nhất. Dọc theo bờ biển phía Bắc nước Đức là các bãi tuốc – bin xa bờ khổng lồ có khả năng sản xuất hơn 10.000 MW điện. Bên cạnh đó, năng lượng sinh học cũng sẽ góp vai trò quan trọng . Năng lượng sinh khối ở Đức hiện đang phát triển với tốc độ chóng mặt  so với các nguồn năng lượng tái tạo ở nước này và lần đầu tiên vượt qua thủy năng trong việc cung cấp nguồn điện năng.

Nhật Bản – Tiên phong trong bảo tồn năng lượng

Ngay sau cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới lần thứ II, Chính phủ Nhật Bản đã nhanh chóng thông qua Luật sử dụng năng lượng hợp lý (Luật Bảo tồn năng lượng). Các giải pháp được đưa ra thực hiện rất linh hoạt, toàn diện và mang tính thực tiễn cao. Hiệu quả nhất là giải pháp khuyến khích về tài chính với chương trình cho vay có lãi suất đặc biệt áp dụng cho các DN vừa và nhỏ; chương trình ưu đãi thuế bao gồm miễn thuế tương đương 7% chi phí mua máy móc thiết bị, áp dụng chế độ khấu hao đặc biệt 30% giá mua máy móc thiết bị…

Công tác quảng bá, tôn vinh công nghệ và thiết bị tiết kiệm năng lượng tốt nhất hiện có được thực hiện thông qua Hội chợ triển lãm Môi trường và Năng lượng (ENEX), Hội nghị năng lượng quốc gia được tổ chức hằng năm. Trung tâm Bảo tồn Năng lượng Nhật Bản còn phối hợp với một số tổ chức của Chính phủ phát động nhiều chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả với nhiều giải thưởng khác nhau dành cho các nhà quản lý, DN, tòa nhà cao tầng, kỹ sư và kỹ thuật viên, thiết bị, sản phẩm và dự án có thành tích nổi bật trong công tác bảo tồn năng lượng. Ngoài ra, tiết kiệm luôn được xem là vấn đề đạo đức trong chính phủ cũng như toàn dân Nhật Bản.

Tính tự nguyện và sự nghiêm túc thực hiện hướng dẫn, tiêu chuẩn và quy định từ Chính phủ của toàn xã hội Nhật Bản đã góp phần giúp Nhật Bản trở thành quốc gia đạt hiệu quả hàng đầu trên thế giới trong công tác bảo tồn năng lượng.

Trung Quốc – Giảm tiêu thụ năng lượng 5 năm/lần


Năm 2005, Chính phủ Trung Quốc thông báo về kế hoạch giảm 20% mức tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP trong giai đoạn 2005 – 2010. Chương trình chính của kế hoạch là giám sát và hướng dẫn cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của 1000 DN tiêu thụ nhiều năng lượng nhất Trung Quốc. Có 1000 DN từ 9 ngành công nghiệp đã được lựa chọn. Mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng của các DN này vào năm 2004 chiếm khoảng 50% tổng năng lượng tiêu thụ của toàn ngành Công nghiệp và 30% tổng năng lượng tiêu thụ của Trung Quốc.

Theo đó, các DN tham gia sẽ phải báo cáo hằng năm về tổng năng lượng tiêu thụ trong 5 năm đầu và cứ 5 năm tiếp theo phải thực hiện một đợt kiểm toán năng lượng, triển khai kế hoạch tiết kiệm năng lượng, thiết lập mục tiêu tiết kiệm năng lượng và áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng. Các hệ thống quản lý năng lượng chuẩn cũng được đưa vào áp dụng trong chương trình này.

Đan Mạch - Áp dụng hệ thống quản lý năng lượng

Đan Mạch đánh thuế phát thải CO2 đối với tất cả các nguồn năng lượng. Do việc áp dụng thuế này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng, vì vậy chính phủ Đan Mạch đưa ra các thỏa thuận tự nguyện, theo đó sẽ giảm thuế CO2 cho các DN áp dụng hệ thống quản lý năng lượng chuẩn và thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Để được tham gia thỏa thuận này, các DN phải được Cơ quan Năng lượng Đan Mạch đưa vào danh sách các DN có cường độ tiêu thụ năng lượng lớn và có thuế năng lượng vượt quá 4% giá trị gia tăng của DN trong năm trước khi tham gia thỏa thuận.

Các DN tiêu thụ nhiều năng lượng tham gia thỏa thuận, muốn được giảm thuế sẽ phải thực hiện tất cả các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, với thời gian hoàn vốn ít hơn hoặc bằng 4 năm. Đối với các DN tiêu thụ năng lượng ít hơn mà có tham gia thỏa thuận, thì yêu cầu để được giảm thuế sẽ mở rộng ra cả việc phải thực hiện cả các giải pháp tiết kiệm năng lượng với thời gian hoàn vốn ít hơn hoặc bằng 6 năm. Thỏa thuận này đã trở thành một động lực quan trọng trong việc khuyến khích áp dụng hệ thống quản lý năng lượng chuẩn ở Đan Mạch.


Theo TCĐL số 5/2011