Từ việc sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện, hạn chế các thiết bị tiêu hao điện năng đến việc sơn, quét tường nhà cho trắng hay đi ngủ sớm… nhiều sinh viên tìm đủ 1.001 cách để giảm bớt tối đa lượng điện năng phải tiêu thụ mà vẫn đảm bảo được việc học hành.
Sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện góp phần giảm bớt chi phí cho người dùng.
“Khi chuyển tới phòng trọ, mấy chị em trong phòng quyết định đầu tư thay, sử dụng toàn bộ các bóng điện trong phòng, trong nhà vệ sinh, ngoài hành lang, bóng điện đèn bàn học bằng bóng tiết kiệm điện. Các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng được xếp hạng xa xỉ như bàn là, máy sấy tóc, ấm điện được cả phòng thống nhất không dùng thường xuyên. Máy sấy tóc chỉ dùng khi gội đầu khuya, hoặc sấy qua rồi để tóc tự khô. Với cách tiết kiệm này, mỗi tháng tiền điện cũng giảm bớt được dăm bảy chục ngàn”- Nguyễn Thùy Dương, sinh viên ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG chia sẻ.
Mai Thị Hà (SV Học viện Ngân hàng) ở tại khu trọ nhiều phòng dùng chung nhà vệ sinh, người thuê chưa kịp nghĩ kế tiết kiệm chủ trọ đã ra quy định không được sử dụng bóng điện trong nhà tắm mà tận dụng ánh điện bên ngoài hắt vào. Hà tâm sự: “Có lần mình đã lấy nhầm đồ thậm chí còn bị vấp ngã vì ánh sáng không đủ”. Hà cũng chia sẻ những cách tiết kiệm điện mà bạn đã làm: “Khu trọ của mình dùng chung bếp than, vừa tiết kiệm được điện, vừa tiết kiệm được gas, nước nóng có 24/24h nhất là vào mùa đông này, nếu dùng ấm điện để đun thì điện tăng số không kiểm soát, mùa hè vừa rồi trời nóng phòng ngồi chung một chỗ để sử dụng một quạt và một đèn học, vừa vui vẻ, vừa tiết kiệm, hoặc có thể lên thư viện trường”. Mỗi tháng Hà và các bạn phải thanh toán trung bình 600 nghìn đồng tiền điện, giá mỗi số điện là 3,5 nghìn đồng.
Một lựa chọn tiết kiệm điện khác được các sinh viên triệt để thực hiện đó là dùng vôi sáng màu để quét phòng trọ. Đúc rút 3 năm kinh nghiệm lang bạt hầu hết các khu nhà trọ trên địa bàn Hà Nội, Xuân Hoàng, sinh viên ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, tường nhà trọ lâu không quét lại vôi nên không gian trong phòng rất tối dù đã bật cả 2 bóng điện.
Chỉ cần đầu tư khoảng 2 chục ngàn đồng để mua vôi rồi tự quét, chỉ trong 1 ngày tường nhà sáng trắng. “Sau khi quét vôi tường chỉ cần một bóng đèn đã đủ dùng trong khi trước đây bật 2 bóng đèn vẫn cảm thấy không có đủ ánh sáng để dùng”- Hoàng nói.
Không chỉ sinh viên ở trọ, sinh viên sống cùng bố mẹ trong các hộ gia đình cũng không ít cách để tiết kiệm điện. Phú Hưng, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Cả nhà sử dụng đèn tiết kiệm điện, tận dụng ánh sáng tự nhiên, rút ổ cắm nếu không sử dụng các thiết bị điện thậm chí phải tập trung nhiều quần áo mới giặt để hạn chế số lần sử dụng máy giặt trong tuần, hạn chế thức khuya, sử dụng máy tính quá nhiều”.
“Nhà mình hạn chế mở tủ lạnh, tắt máy tính nếu như không sử dụng trong vòng 15 phút, vì nhà sử dụng gạch cách nhiệt nên không phải dùng nhiều quạt và điều hòa”, Mai Anh, sinh viên Học viện Tài chính nói.
Tuy nhiên, để tiết kiệm điện một cách có hiệu quả đòi hỏi phải xây dựng được thói quen tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình.
“Những hành động đơn giản như mua những thiết bị có nhãn xác nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng, sử dụng loại đèn chiếu sáng tiết kiệm điện có hiệu suất cao, lắp đặt bóng đèn ở vị trí hợp lý, thường xuyên vệ sinh máng đèn, học cách sử dụng hiệu quả tủ lạnh, nồi cơm điện và máy quạt cũng như các thiết bị điện khác sẽ góp phần không nhỏ giúp tiết kiệm chi phí của các gia đình”- Một chuyên gia ngành điện cho biết.
Theo số liệu thống kê thực tế, điện năng tiêu thụ của các hộ gia đình ở nước ta chiếm từ 35 - 40% tổng lượng điện tiêu thụ quốc gia. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhiều loại mặt hàng tiêu dùng tăng giá, các hộ gia đình đã phải cắt giảm tối đa các khoản chi tiêu không cần thiết, đặc biệt là tiết kiệm xăng, dầu, điện, than, củi đốt, tăng cường sử dụng các sản phẩm thay thế có giá thành rẻ hơn… Trong các giải pháp này, nếu tiết kiệm điện một cách hiệu quả, bản thân mỗi hộ gia đình hàng tháng sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể.
Thúy Hằng