Saturday, 23/11/2024 | 01:47 GMT+7

Cơ hội nào cho các tòa nhà xanh?

15/03/2013

Đã 6 năm trôi qua từ lần đầu tiên Bộ công thương phối hợp cùng Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM (ECC-HCMC) phát động cuộc thi Tòa nhà hiệu quả năng lượng cấp quốc gia.

Đã 6 năm trôi qua từ lần đầu tiên Bộ công thương phối hợp cùng Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM (ECC-HCMC) phát động cuộc thi Tòa nhà hiệu quả năng lượng cấp quốc gia. Với gần 300 tòa nhà tham gia dự thi, trong đó trên 50 tòa nhà ưu tú nhất được chọn tham dự giải thưởng tòa nhà hiệu quả năng lượng Đông Nam Á và đã đạt được nhiều giải thưởng lớn trong khu vực, Việt Nam đang hướng đến hình ảnh “Xanh” trong mắt bạn bè thế giới. 

Nhiều giải pháp cho tòa nhà xanh

Kết quả đạt được từ những giải thưởng này đã chỉ ra rằng các tòa nhà tại Việt Nam đang ngày càng hướng đến yếu tố hiệu quả năng lượng, từ khâu thiết kế kiến trúc cho đến sử dụng công nghệ và giải pháp vận hành theo hướng tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là những tòa nhà mới – nơi các chủ đầu tư thuận tiện hơn trong việc đầu tư cho các giải pháp thiết kế kiến trúc ban đầu. Với tốc độ tăng trưởng từ 6-7 % mỗi năm cho tổng diện tích sàn của các tòa nhà thương mại và nhà ở cao tầng, nếu được chú trọng tất cả các giải pháp thiết kế hiệu quả năng lượng ban đầu, cùng với việc ứng dụng các công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng phù hợp, Việt Nam sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí cho năng lượng là rất lớn.

cd93125d3_h1_resize.jpg

Với thiết kiến trúc ấn tượng, Anantara Resort & Spa đã đạt giải Nhất cuộc thi Kiến trúc hiệu quả năng lượng lần thứ I

Trong quá trình tư vấn xây dựng hồ sơ dự thi cuộc thi Tòa nhà Hiệu quả năng lượng (do bộ Công thương chỉ trì) và cuộc thi Kiến trúc hiệu quả năng  lượng (do Bộ Xây dựng chủ trì), các chuyên gia của ECC – HCMC nhận thấy rằng các công trình tòa nhà mới đã chú trọng đến việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh như gạch không nung, kính tiết kiệm năng lượng, tường cách nhiệt…cho đầu tư xây dựng ban đầu, đồng thời tận dụng tối đa ánh sáng, hệ thống thông gió tự nhiên và mảng không gian xanh cho các công trình. Bên cạnh đó, hệ thống điện mặt trời, máy nước nóng năng lượng mặt trời, hệ thống quản lý năng lượng cho tòa nhà (BEMS) và nhiều giải pháp công nghệ khác cho các hệ thống bơm, nhiệt, lạnh, ĐHKK, chiếu sáng… cũng đang được các chủ tòa nhà áp dụng và đầu tư cho mục tiêu cắt giảm chi phí năng lượng. 

Cơ hội nào cho các tòa nhà xanh?

Theo quyết định 79/2006, 100% các tòa nhà xây dựng mới phải đạt tiêu chuẩn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ngày 02/10/2012 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1427/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu quốc gia “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” giai đoạn 2012-2015; trong đó quy định từ năm 2012 trở đi các tòa nhà xây dựng mới và cải tạo bắt buộc phải theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về “Các tòa nhà sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”.  Đó chính là một trong những cơ hội thúc đẩy sự ra đời ngày càng nhiều các tòa nhà xanh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn chính là những giá trị mà một tòa nhà xanh mang lại cho chính nó, cho cộng đồng hiện tại và tương lai.

e80b2a016_h2_resize.jpg

Moevenpick Hotel Saigon – tòa nhà được đánh giá cao nhờ các giải pháp hiệu quả năng lượng và đạt giải I loại hình cải tạo lại, cuộc thi Tòa nhà hiệu quả năng lượng năm 2012 do Bộ Công thương chủ trì và ECC-HCMC tổ chức thực hiện

Theo thống kê chưa đầy đủ của bộ Xây dựng, hiện cả nước có trên 1000 tòa nhà có mức tiêu thụ trên 1 triệu kWh/năm. Nếu các tòa nhà này áp dụng triệt để tiềm năng tiết kiệm năng lượng (từ 15-30%) thì con số tiết kiệm được quả là rất lớn. Bộ Xây dựng cũng nhận định, nếu quản l‎ý tốt khâu thiết kế xây dựng công trình theo hướng sử dụng hiệu quả năng lượng sẽ tiết kiệm được từ 20 đến 30% năng lượng tiêu thụ cho đối tượng này. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích việc xây dựng các tòa nhà xanh, Bộ Xây dưng cho biết, Chính Phủ đã Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020. Theo đó đặt mục tiêu Sản xuất vật liệu xây dựng có công nghệ tiên tiến tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp, bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng.

Bên cạnh đó, nhằm giới thiệu đến cộng đồng các mô hình tòa nhà hiệu quả năng lượng với các giải pháp cụ thể đã được áp dụng, từ đó thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng trong khối tòa nhà ngày một mạnh mẽ hơn, từ năm 2007 Bộ Công thương đã chỉ đạo ECC-HCMC tổ chức giải thưởng thường niên Tòa nhà hiệu quả năng lượng trên phạm vi cả nước. Năm 2012, ECC-HCMC tiếp tục phối hợp cùng Bộ Xây dựng triển khai tổ chức cuộc thi Kiến trúc hiệu quả năng lượng để khuyến khích và ghi nhận những giải pháp thiết kế kiến trúc hiệu quả năng lượng cho công trình tại Việt Nam. Theo phản hồi từ phía các khách sạn đạt giải, những giải thưởng đạt được giúp họ nâng cao uy tín trong sự nhìn nhận của khách hàng, nhất là khách hàng đến từ nước ngoài. Trong khi đó, các cao ốc văn phòng lại ghi nhận giá trị từ việc chia sẻ lợi nhuận đến khách hàng nhờ chi phí tiết kiệm năng lượng…
Với những động thái tích cực từ các Bộ ngành, hy vọng rằng các công trình xanh sẽ mọc lên ngày càng nhiều và phát huy mạnh mẽ lợi thế để góp phần đem lại vẻ đẹp kiến trúc đô thị, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên theo hướng bền vững.

Thúy Hằng