Năng lượng gió ở châu Mỹ, đặc biệt là châu Mỹ La tinh đang có cơ hội lớn để phát triển. Đến năm 2025, khu vực này được dự kiến sẽ đạt 46 GW tổng công suất năng lượng gió lắp đặt theo nghiên cứu của IHS Emerging Energy Research (IHS). Brazil dự kiến sẽ dẫn đầu khu vực Mỹ Latinh với 31,6 GW, chiếm 69%, tiếp theo là Mexico với khoảng 6,6 GW.
Năng lượng gió sẽ phát triển mạnh
Hiện nay, Hoa Kỳ đang phải đối mặt với một tương lai bấp bênh về sự phát triển năng lượng gió. Thông qua thỏa thuận “vách đá tài chính", các khoản tín dụng thuế liên bang (PTC) để sản xuất năng lượng gió sẽ áp dụng cho các trang trại gió bắt đầu vào cuối năm 2013. Hầu hết những người ủng hộ năng lượng gió ở Hoa Kỳ cảm thấy rằng năm 2013 sẽ là năm chậm trễ vì hết gia hạn PTC. Trong cuộc họp Quốc hội Hoa Kỳ vừa qua, có khả năng tất cả các khoản thuế năng lượng tái tạo sẽ được nghiên cứu kĩ lưỡng và dự kiến sẽ được loại bỏ trong vài năm tới.
Ở thời điểm này, Hoa Kỳ quyết định phải tham gia cạnh tranh tích cực hơn vào sự phát triển năng lượng gió và công nghệ xanh khác nhằm tác động đến tương lai năng lượng của đất nước. CEO của Hiệp hội Năng lượng gió Hoa Kỳ, ông Gramlich phát biểu: "Công nghệ năng lượng tái tạo ngày càng phát triển như các ngành công nghiệp toàn cầu, và nếu Hoa Kỳ muốn đứng đầu, thì chúng ta cần phải cạnh tranh trên quy mô toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo".
Nhiều quốc gia bên ngoài Bắc Mỹ đã có những mục tiêu về năng lượng tái tạo nhất định vào năm 2020. Tính từ bây giờ, thời gian chỉ còn 7 năm, chính vì vậy năm 2013 sẽ là một năm đóng vai trò quan trọng cho kế hoạch và phát triển các dự án và năng lượng gió.
Ngày 14/11/2012 vừa qua tại Bắc Kinh, tổ chức Hòa bình xanh thế giới (GI) và Ủy ban Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) đã đưa ra hai bản dự thảo trong tương lai của ngành công nghiệp gió. Sự ra mắt của ấn bản 4 Tạp chí Triển vọng năng lượng gió toàn cầu (GWEO) chỉ ra rằng, năng lượng gió có thể cung cấp 12% điện toàn cầu vào năm 2020, tạo ra 1,4 triệu việc làm mới và giảm lượng khí thải CO2 hơn 1,5 tỷ tấn mỗi năm, hơn 5 lần mức hiện nay. Đến năm 2030, năng lượng gió có thể cung cấp hơn 20% nguồn cung cấp điện năng trên toàn cầu.
"Rõ ràng là năng lượng gió sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai năng lượng của chúng tôi", ông Steve Sawyer, Tổng thư ký của GWEC nói. "Nhưng để cho gió đạt đầy đủ tiềm năng của nó, các chính phủ cần phải nhanh chóng giải quyết khủng hoảng khí hậu, trong khi vẫn còn đủ thời gian".
Ngoài việc giảm phát thải, năng lượng gió cũng không sử dụng nước ngọt để tạo ra điện, đặc tính làm cho nó trở thành một lựa chọn hấp dẫn trong một thế giới ngày càng khan hiếm nước. Năng lượng gió được định nghĩa là một nguồn năng lượng địa phương, trong đó đặc biệt hữu ích cho các quốc gia chịu gánh nặng về chi phí nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Ấn bản 4 GWEO còn chỉ ra rằng, ngành công nghiệp này có thể sử dụng 2,1 triệu lao động vào năm 2020 - gấp 3 lần hiện nay khi được hỗ trợ những chính sách đúng đắn.
Đến năm 2020, theo dự đoán của Hiệp hội Năng lượng quốc tế, năng lượng gió sẽ đạt 587 GW công suất, cung cấp khoảng 6% sản lượng điện toàn cầu, nhưng ấn bản 4 của GWEO lại cho rằng con số này vào khoảng 759 GW, cung cấp 7,7-8,3% nguồn cung cấp điện toàn cầu. Một dự báo chi tiết hơn với những chính sách hỗ trợ cho năng lượng gió thì lại cho biết con số có thể lên đến hơn 1.100 GW vào năm 2020, cung cấp từ 11,7-12,6% sản lượng điện toàn cầu, và giúp giảm gần 1,7 tỷ tấn khí thải CO2.
Kim Anh Theo Renewableenergyworld.com