Chính quyền thành phố Manila, Philippines, vừa mở cửa một ngôi nhà được xây dựng từ chai nhựa tái chế.
Khách tham quan tiến vào ngôi nhà được dựng từ chai nhựa tại thành phố Manila, Philippines hôm 22/4.
Stephen Lamb, người sáng lập công ty xanh Touching the Earth Lightly tại Nam Phi, đã cộng tác với chính phủ Philippines để xây dựng ngôi nhà, Guardian đưa tin.
Solar Revolution Pavilion, tên của ngôi nhà, có chiều rộng 200 m2, chiều cao 6 m và sử năng lượng mặt trời. Công nhân đã cho chai nhựa tái chế vào 1.600 thùng nhựa đựng rau để tạo nên ngôi nhà.
Chính quyền cho phép người dân tham quan nó để giới thiệu về năng lượng tái tạo và nhấn mạnh vào vấn đề rác thải. Các nhà giáo dục Philippines cũng đã sử dụng những vật liệu tái chế như chai nhựa và thủy tinh để xây dựng một trường tiểu học tại tỉnh Laguna, Philippines vào năm 2012.
Nhà môi trường học David de Rothschild – người đã vượt qua biển Thái Bình Dương bằng một chiếc thuyền làm từ chai nhựa vào năm 2010 - phát biểu tại buổi giới thiệu Solar Revolution Pavilion: "Đây là một ví dụ sống động về cách bạn sử dụng thực phẩm, nhà, nước uống và thậm chí cả năng lượng tận dụng từ nguồn tài nguyên mà con người coi là rác. Bạn có thể biến chúng thành những vật dụng thực sự hữu ích và tạo nên chất lượng cuộc sống".
Ông Ilac Diaz- giám đốc doanh nghiệp xã hội The Filipino - là người đã hỗ trợ xây dựng ngôi nhà từ chai nhựa và cũng là chủ dự án My Shelter Foundation's "Liter of Light".
Công ty của Diaz đã tái chế các chai nhựa thành bóng đèn sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp cho 120.000 hộ gia đình, với khoảng 20 triệu người dân Philippines, đang sống trong cảnh tối tăm vì không có điện sinh hoạt. Ông cho biết gian hàng trong ngôi nhà cũng sẽ giới thiệu loại năng lượng mặt trời mới mà ngơời dân có thể sử dụng vào ban đêm. Bằng việc lắp các đèn LED và bộ pin vào chai nhựa, những bóng đèn từ chai nhựa sẽ cung cấp đủ ánh sáng cho 150 địa điểm trên cả nước.
Du khách tham quan ngôi nhà còn có thể tìm hiểu về những công nghệ xanh khác của người dân Philipines như kỹ thuật trồng cây trong nước mà không sử dụng đất.
"Điều quan trọng là chúng ta tìm ra cách để hướng dẫn người dân áp dụng những công nghệ đó. Thế giới có rất nhiều công nghệ xanh nhưng đó đều là những công nghệ đắt đỏ từ nước ngoài. Nếu muốn người dân có thể thoát khỏi cảnh sinh hoạt không có điện thì chúng ta phải tự xây dựng công nghệ xanh", Diaz bình luận.
Thúy Hằng