Thursday, 14/11/2024 | 10:17 GMT+7

Năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn cung cấp điện năng lớn thứ 2 thế giới

04/07/2013

Theo báo cáo thường niên mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năng lượng tái tạo sẽ vượt qua khí gas tự nhiên để trở thành nguồn cung cấp điện năng lớn thứ 2 thế giới (sau than đá) vào năm 2018.

Theo báo cáo thường niên mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năng lượng tái tạo sẽ vượt qua khí gas tự nhiên để trở thành nguồn cung cấp điện năng lớn thứ 2 thế giới (sau than đá) vào năm 2018. Năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, năng lượng mặt trời, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học và gió là những ngành năng lượng đang có sự phát triển nhanh chóng.

Năng lượng tái tạo có thể coi là nguồn năng lượng xanh vô tận.
 
66d953ae8_nlgio_nltt.jpg

Năng lượng tái tạo chỉ cung cấp 8% (khoảng 4.860 TWh) tổng điện năng toàn cầu vào năm 2012, tương đương với tổng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc. Nhưng trong 5 năm tới, dự kiến điện năng tạo ra từ nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng tới 40%. Vào năm 2018, 1/4 tổng điện năng tạo ra trên toàn cầu là nhờ năng lượng tái tạo trong đó riêng thủy điện sẽ chiếm tới 17%.

Hai lợi thế chính của nguồn năng lượng tái tạo là chi phí và điều kiện tự nhiên. Về cơ bản, sản xuất điện năng bằng nguồn năng lượng tái tạo đang ngày một rẻ hơn và dễ nhận được các khoản trợ cấp từ chính phủ, mặt khác, nó cũng dễ dàng được triển khai ở những khu vực mới. Các nước đang phát triển đang có xu hướng chọn năng lượng tái tạo là nguồn cung cấp điện chính thay vì nhiên liệu hóa thạch (than đá, khí gas).
 
14251d2c0_dmt_nltt.jpg

Tuy nhiên, IEA vẫn chỉ ra một số khó khăn có thể vấp phải khi phát triển ngành năng lượng tái tạo. Trước hết, cả Chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân đang bị đe dọa bởi sự yếu kém của tình hình kinh tế toàn cầu, điều đó dẫn tới một phần các khoản trợ cấp hoặc chi phí nghiên cứu có thể bị cắt giảm. Bên cạnh đó, nhiều Chính phủ vẫn hoài nghi về sự cần thiết của năng lượng tái tạo.

Giám đốc điều hành IEA, Maria van der Hoeven cho biết: "Nhiều nguồn năng lượng tái tạo không còn đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu cao nữa nhưng chúng vẫn cần những chính sách dài hạn, đáng tin cậy và khuôn khổ pháp lý phù hợp với các mục tiêu xã hội. Hiện nay, nhiều quốc gia vẫn tiến hành trợ giá rất lớn cho nhiên liệu hóa thạch. Điển hình như nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay là Mỹ khi chính phủ trợ giá cho năng lượng hóa thạch nhiều gấp 6 lần mức trợ giá dành cho năng lượng tái tạo".
 
  Lê My Theo Genk.vn