Sunday, 17/11/2024 | 01:47 GMT+7

Phát triển công trình xanh để tiết kiệm năng lượng

05/07/2013

Tình trạng thiếu hụt năng lượng là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội.

Tình trạng thiếu hụt năng lượng là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội. Xây dựng là một trong những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, hầu hết các giai đoạn trong chu trình sống của công trình đều sử dụng một lượng điện năng lớn.

Vì vậy, sử dụng hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng đang là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là khi lượng điện không đủ cung và giá điện ngày một tăng cao như hiện nay.

Xu hướng tất yếu

Tăng trưởng kinh tế thường gắn liền với gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Mức tăng vọt về tiêu thụ điện năng (khoảng 14%/năm) trong tương lai gần sẽ gây ra sự thiếu hụt năng lượng và sức ép phải xây dựng thêm các nhà máy điện. Do đó, quan điểm phát triển năng lượng phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cũng là xu hướng chung của các nước trên thế giới, trong đó việc sử dụng các nguồn năng lượng có được phải hiệu quả, hợp lý, đảm bảo an toàn năng lượng quốc gia. Ngoài ra, việc phát triển năng lượng cần gắn chặt với việc giữ gìn môi trường sinh thái, thực hiện phát triển năng lượng bền vững.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Năng lượng, nguồn thủy điện ở Việt Nam ước tính có tiềm năng khai thác khoảng 80 tỉ kWh/năm, trong khi đó nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng dự báo không quá 10 ngàn MW vào năm 2015. Do đó, lượng điện năng có thể sẽ bị thiếu hụt lên tới trên 50 tỉ kWh vào năm 2030.

632e32909_09184219e_2moitruong1.jpg
 
Tốc độ xây dựng các công trình mới tại TP.HCM khá cao

Theo đánh giá của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại các tòa nhà ở TP.HCM là tương đối lớn, khoảng 10 – 40%. Trong tương lai, khả năng tiết kiệm năng lượng sẽ tăng lên khoảng 20% so với nhu cầu, nhưng phần chi phí đầu tư cũng sẽ khá cao (khoảng 30 – 40%). Hiện nay, mỗi năm TP.HCM xây mới khoảng 3,5 triệu m2, do đó nhu cầu về năng lượng trong các tòa nhà cao tầng cũng rất lớn. Mỗi năm, TP.HCM trích 14 – 15% GDP dành cho nhu cầu về năng lượng, chi gần 13.000 tỉ đồng cho việc tiêu thụ năng lượng. Vì thế, nếu sử dụng năng lượng trong các tòa nhà kém hiệu quả thì không chỉ chi phí điện năng tại đó tốn kém, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Các giải pháp tiết kiệm năng lượng đơn giản

Trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu xảy ra ngày càng rõ ràng và bất thường ở nhiều nơi, những nguy cơ trong tương lai gần đối với Việt Nam ở mức cao hơn so với nhiều nước khác thì vấn đề tiết kiệm năng lượng không phải là chuyện chỉ của riêng ngành xây dựng, mà là việc chung của mọi ngành. Nếu không chung tay góp sức thì chắc chắn sẽ khó có thể chủ động tránh được những hậu quả nặng nề.

Theo số liệu của các nước tiên tiến, chỉ riêng tổng năng lượng tiêu thụ cho các công trình xây dựng đã chiếm 40 – 70% tổng năng lượng cung cấp cho đô thị. Từ thiết kế, thi công, khai thác sử dụng công trình đến sản xuất vật liệu xây dựng đều cần tiêu thụ năng lượng.

3d84a3778_04d3b7d68_1moitruong1.jpg
 
Vấn đề tiết kiệm năng lượng trong công trình chưa được nhà thầu quan tâm đúng mức

Ngay trong khâu thiết kế công trình, các chuyên gia nên quan tâm tính đến khả năng khai thác, tận dụng điều kiện tự nhiên – môi trường để tiết kiệm năng lượng trong quá trình thi công, tận dụng tối đa điều kiện khí hậu thiên nhiên và cảnh quan tự nhiên, nhất là phát huy sự thông gió tự nhiên và tận dụng ánh sáng tự nhiên. Nên ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp với khí hậu nhiệt đới và thân thiện với môi trường (ví dụ gạch không nung vừa đỡ tốn kém nhiên liệu nung, vừa giảm khí thải và ô nhiễm nhiệt). Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, nếu vật liệu xây dựng không đảm bảo tốt các yếu tố cách nhiệt, chống thấm dột, ẩm mốc… thì trong quá trình vận hành các công trình xây dựng sẽ phải sử dụng thiết bị điều hòa, thông gió…, gây tốn thêm nhiều năng lượng. Bên cạnh đó, sử dụng cây xanh để làm giảm nhiệt độ và làm sạch không khí đối với công trình xây dựng cũng là một biện pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

Tại TP.HCM, nhiều tòa nhà như các khách sạn Majestic, Continental, Grand, Palace, Kim Đô, Oscar, Metropole, hệ thống siêu thị Big C… đã lần lượt áp dụng biện pháp tiết kiệm năng lượng như sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời, lắp đặt biến tần cho các động cơ bơm hay tận dụng ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm được khoảng 15 – 40% điện năng tiêu thụ mỗi năm. Hiện nay, khi xây dựng các cao ốc, chung cư, nhiều chủ đầu tư cũng đã chấp hành quy chuẩn xây dựng, kết hợp thiết kế xen lồng kiến trúc sinh thái nhằm tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, ông Phạm Huy Phong – Trưởng ban Cố vấn kỹ thuật của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM cho rằng, hiện nay các tòa nhà tiết kiệm năng lượng tại TP.HCM được xây dựng xuất phát chủ yếu từ sự tự nguyện và lợi ích của các chủ đầu tư chứ chưa phải thực hiện theo quy chuẩn xây dựng. Chỉ cần xem xét nhu cầu tiêu thụ năng lượng điện trong nhà ở tại các khu đô thị mới là đã thấy có nhiều vấn đề cần giải quyết. Tổng lượng tiêu thụ điện trực tiếp (máy lạnh, quạt, đun nước nóng, chiếu sáng, thiết bị điện sinh hoạt, thang máy và các thiết bị khác…) và tiêu thụ gián tiếp (vật liệu xây dựng, nước sinh hoạt…) thường rất cao nên việc tiết kiệm điện ngay từ trong từng căn hộ, cũng như việc tiêu thụ năng lượng ở các khu vực công cộng của tòa nhà phải được tuyên truyền để mọi người cùng vận dụng.

Cần phát triển chủ trương tiết kiệm năng lượng

Có nhiều lý do khiến các giải pháp tiết kiệm năng lượng không được đầu tư, nào thiếu vốn, thiếu kiến thức và thông tin, nào thiếu sự quan tâm cũng như động lực, thiếu lòng tin vào lợi ích đạt được… Xem ra, thiếu kiến thức, thông tin của các nhà thầu tư vấn là những rào cản lớn nhất đối với nhiều chủ đầu tư. Vì thực tế, các công trình được áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều so với vốn đầu tư mà chủ đầu tư bỏ ra.

Việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà không chỉ góp phần làm giảm chi phí cho doanh nghiệp mà còn phù hợp với mục tiêu chung của đất nước là phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo nguồn cung năng lượng và bảo vệ môi trường. Những năm gần đây, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM đã tổ chức thường niên cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả năng lượng” nhằm mục đích kêu gọi ý thức tiết kiệm điện để tìm ra nhiều mô hình tòa nhà tiết kiệm năng lượng có hiệu quả để nhân rộng. Các doanh nghiệp có mô hình tốt qua đó cũng nâng cao được uy tín, thu hút thêm khách hàng. Nhằm tạo lực thắng sức ỳ trong việc vận dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong xây dựng, có ý kiến đề nghị bên cạnh việc khuyến khích, tôn vinh các công trình tiết kiệm năng lượng, cần có quy định xử phạt các công trình thiết kế không đảm bảo yêu cầu tiết kiệm năng lượng. Đã đến lúc cơ quan quản lý chức năng nên sớm ban hành những quy định khuyến khích và xử phạt rõ ràng.

Thúy Hằng