Saturday, 16/11/2024 | 23:40 GMT+7
Chẳng những sản xuất điện, graphene còn có thể giúp chủ nhân của ngôi nhà đổi màu tường vào mọi thời điểm. |
Graphene là một lớp carbon hợp thành một mạng hình lục giác (kiểu tổ ong), với khoảng cách giữa các nguyên tử carbon là 0,142 nm. Màng graphene có độ dày tương đương đường kính của nguyên tử. Nó có một số tính chất độc nhất vô nhị. Chẳng hạn, nó cứng hơn thép nhưng lại rất dễ bị kéo căng. Độ dẫn điện và dẫn nhiệt của graphen rất lớn.
Andre K.Geim và Kostya Novoselov - hai nhà khoa học của Đại học Manchester tại Anh - đã nhận giải Nobel Vật lý vào năm 2010 vì họ đã chế tạo, tinh lọc, nhận dạng và mô tả đặc trưng graphene.
Giờ đây hai nhà khoa học và các đồng nghiệp của họ tại Đại học Manchester đang tìm cách kết hợp graphene với một số vật liệu siêu mỏng khác để tạo ra lớp phủ của tấm pin mặt trời, Telegraph đưa tin.
Lớp phủ này có độ dày tương đương tờ giấy nhưng rất linh hoạt. Nó có thể hấp thu ánh sáng để sản xuất điện. Vì thế, người ta có thể dùng nó để phủ bên ngoài những ngôi nhà. Sau khi lớp phủ bám lên tường hoặc mái, nó sẽ hấp thu ánh sáng để tạo ra điện cho những thiết bị trong nhà. Ngoài ra, lớp phủ ấy còn có thể đổi màu theo sự điều khiển của con người. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu không giải thích cơ chế đổi màu của lớp phủ.
Nếu các hãng điện thoại muốn loại bỏ pin ra khỏi điện thoại di động, họ có thể phết loại sơn mới lên vỏ điện thoại. Nếu pin biến mất, những chiếc điện thoại tương lai sẽ mỏng hơn rất nhiều so với điện thoại ngày nay.