Trong lúc nhu cầu điện tăng trưởng trung bình 10-15%/năm thì mức lãng phí điện cũng vô cùng lớn. Nhiều nhà máy hiệu suất sản xuất điện thấp, tổn thất truyền tải và cuối cùng là việc sử dụng không hiệu quả lớn gấp nhiều lần con số nhu cầu.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh (ECC), đã chia sẻ về câu chuyện cung – cầu điện ở Việt Nam và giá trị sử dụng thực của nguồn năng lượng này.
EVN liên tục đòi tăng giá bán điện, ngành than cũng xin tăng giá bán than cho các nhà máy điện… tất cả đều được tính vào giá bán điện cho người tiêu dùng, sự khan hiếm điện như hiện nay phản ánh điều gì và có cách nào tháo gỡ được không, thưa ông?
Ông Huỳnh Kim Tước: Thị trường điện của Việt Nam đang hướng đến vận hành theo cơ chế thị trường nên bộc lộ những vấn đề đặc thù của một nước đang phát triển. EVN vừa kinh doanh vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị nên việc chuyển đổi sang cơ chế kinh doanh sòng phẳng theo thị trường diễn ra khá chậm.
Thêm nữa, Việt Nam lại chưa thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư vào cung cấp điện do sự phụ thuộc nhiều vào mạng phân phối của EVN, giá bán và cơ chế mua bán… dẫn đến nguồn lực trong nước, chủ yếu là ngân sách không đáp ứng kịp nhu cầu tăng trưởng của hạ tầng ngành điện.
Tuy nhiên, có thể nói, chúng ta đang tồn tại mâu thuẫn, trong lúc nhu cầu điện tăng trưởng trung bình 10-15%/năm thì mức lãng phí điện cũng vô cùng lớn. Hiệu suất sản xuất điện thấp (ngoại trừ một số nhà máy điện đầu tư mới đây), tổn thất truyền tải và cuối cùng là việc sử dụng không hiệu quả lớn gấp nhiều lần con số nhu cầu.
Tuy nhiên, chúng ta đầu tư cho mục tiêu tiết giảm sự lãng phí còn hạn chế quá. Nếu làm tốt điều này, có thể góp phần vào khó khăn thiếu điện.
Riêng thép, xi măng tiêu thụ hơn 12% sản lượng điện
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng tình trạng khan hiếm năng lượng hiện nay là do độc quyền của EVN, do công nghệ sản xuất lạc hậu vv…nghĩa là chúng ta đang sử dụng năng lượng một cách rất lãng phí. Là một chuyên gia nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này, ông có đồng tình với điều đó? Ông có thể chỉ ra sự lãng phí trong việc sử dụng năng lượng hiện nay ở Việt Nam?
Nếu Việt Nam có một chính sách giá thu mua tốt hơn, người sản xuất điện ít bị động vào EVN thì có thể thu hút nhiều hơn đầu tư sản xuất điện ở Việt Nam.
Xét về vĩ mô, để sử dụng hiệu quả năng lượng, phải bắt đầu từ quy hoạch cơ cấu kinh tế. Việt Nam đang đứng trước 2 vấn đề làm gia tăng nhu cầu năng lượng: quá trình chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp và sự gia tăng nhu cầu năng lượng khi đời sống được cải thiện, nhu cầu thiết bị điện gia dụng và hạ tầng gia tăng mạnh mẽ.
Cơ cấu kinh tế của chúng ta cũng có vấn đề khi chủ yếu gia công và sử dụng nhiều tài nguyên. Trong phân công sản xuất thế giới, các công ty nước ngoài dần chuyển các nhà máy sử dụng nhiều tài nguyên, trong đó có năng lượng sang Việt Nam. Một thời gian dài, Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư thép, xi măng, thủy tinh.
Nên nhớ rằng, chỉ 2 lĩnh vực thép và xi măng đã tiêu thụ hơn 12% sản lượng điện Việt Nam.
Thứ 2, khi phân tích nguyên nhân lãng phí năng lượng, kết quả cho thấy, mức lãng phí của VN cao từ 1,5 - 6 lần so với thế giới chủ yếu do công nghệ lạc hậu và trình độ tổ chức sản xuất. lãng phí của chúng ta bắt đầu từ thiết kế cho đến lựa chọn công nghệ cho đến vận hành.
Các tổng hợp của Bộ Công thương, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP),.. và của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC) cho thấy mức lãng phí của chúng ta rất cao, từ 10-50% theo từng ngành. Trong đó, tiềm năng tiết kiệm có tính kinh tế cũng rất cao.
Nên nhớ, người Nhật phải chi tiền với thời gian hoàn vốn trên 7 năm chỉ để cắt giảm 1% mức tiêu hao năng lượng. Ở Việt Nam, phổ biến doanh nghiệp có thể tiết kiệm mức 5-15% trong 3 năm.
Chỉ 2 lĩnh vực thép và xi măng đã tiêu thụ hơn 12% sản lượng điện Việt Nam
Trung Quốc đã nhận ra rằng hệ số đàn hồi suýt soát 1 là quá lãng phí và phải điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng điện xuống trong khi vẫn bảo đảm tăng trưởng kinh tế mạnh. Trong khi ở Việt Nam GDP tăng chưa đầy 6%/năm nhưng điện lại tăng đến 13%/năm. Theo ông điều gì dẫn đến sự nghịch lý này ở Việt Nam?
Nếu tính hệ số đàn hồi có thể hiểu là tính cho năng lượng chung chứ không phải chỉ của điện. Thông thường điện tăng cao hơn xăng dầu. Riêng Trung Quốc cơ cấu cung ứng năng lượng có đến 60% từ than, nên khó so sánh với Việt Nam.
Tuy nhiên, có thể thấy thực tế, hệ số đàn hồi của Việt Nam vẫn cao hơn Thái Lan. Vấn đề là cường độ năng lượng vẫn tiếp tục gia tăng. Sự gia tăng này như tôi nói ở trên: do chuyển đổi kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và nhu cầu tiêu dùng hộ gia đình.
Vấn đề là nếu có định hướng phát triển công nghiệp hợp lý, lựa chọn thu hút FDI phù hợp thì sẽ giảm nhu cầu cung ứng năng lượng. Ngay cả hộ gia đình, nếu chính sách tem năng lượng thực hiện hiệu quả cũng sẽ giảm được tiêu thụ điện.
Căn cứ vào hiệu suất sử dụng điện đang lãng phí tới 30-40%, một chuyên gia về năng lượng đã tính toán, nếu Việt Nam thay đổi nền kinh tế tiêu thụ năng lượng vô lối, không hiệu quả như hiện nay, rồi tính toán lại nhu cầu điện năng thực tế, có thể Việt Nam đến năm 2020 vẫn không bị thiếu điện và không cần phải đầu tư thêm các nhà máy sản xuất điện nữa. Ông nghĩ sao về điều này?
Các tính toán đã chỉ rõ một đồng đầu tư cho tiết kiệm năng lượng (TKNL) sẽ bằng 3 đồng đầu tư cho tạo nguồn cung điện. Thực tế cho thấy tiềm năng TKNL của Việt Nam vẫn còn lớn. Do vậy tôi cho rằng việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng ít sử dụng tài nguyên năng lượng hoàn toàn có thể thực hiện nếu chúng ta coi trọng giải pháp TKNL như một giải pháp tương đương đầu tư cung cấp điện.
Điều này có nghĩa kết hợp giữa chính sách vĩ mô và chính sách cụ thể, chúng ta có thể cân đối giữa cung và cầu mà không bị áp lực quá mức trong việc đầu tư thêm các nhà máy sản xuất điện.
Xin trân trọng cảm ơn ông
Theo Báo Đất Việt