Theo nguồn tin từ Liên minh châu Âu (EU), việc đạt được các mục tiêu về năng lượng và môi trường vào năm 2030 sẽ giúp EU tiết kiệm được 35 tỷ euro (47 tỷ USD)/năm chi phí dành cho y tế và giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối tăng 0,5%, chủ yếu nhờ giảm hoạt động nhập khẩu khí đốt và dầu mỏ.
Con số trên được đưa ra trong bản dự thảo đánh giá về tác động của các mục tiêu kể trên đề ra vào năm 2030 và dự kiến sẽ được công bố vào đầu năm tới.
Hiện Ủy ban châu Âu (EC) vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận gì về bản dự thảo đó.
Các nhà hoạch định chính sách đang đặt mục tiêu giảm khoảng 40% lượng khí thải gây ô nhiễm và tăng tỷ lệ đóng góp của năng lượng tái tạo lên 30% tổng nguồn năng lượng.
Trong khi đó, các nhà bảo vệ môi trường cho rằng vào năm 2030 cần phải cắt giảm 60% lượng khí thải so với các mức của năm 1990, mới có thể giúp kiềm chế nhiệt độ Trái Đất không tăng thêm quá 2 độ C và ngăn chặn những tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu.
Hồi tháng 9/2013, các nhà khoa học nghiên cứu về khí hậu của Liên hợp quốc cho rằng có tới 95% khả năng việc Trái Đất đang ấm lên là do con người gây ra, so với con số này đưa ra hồi năm 2007 là 90%. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mức độ gia tăng nhiệt độ đang chậm lại.
Tuy nhiên, một số chính phủ và doanh nghiệp đang tiến hành "vận động hành lang" chống lại việc cắt giảm mạnh khí thải, với lý do chương trình này quá "tốn kém."
Còn các nhà bảo vệ môi trường cho hay chi phí cho vấn đề nêu trên đã được thổi phồng, trong lúc những lợi ích từ chương trình thì bị "phớt lờ".
Theo Vietnamplus