Friday, 17/01/2025 | 00:31 GMT+7
“Nhờ thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, mỗi tháng, gia đình tôi cũng giảm được gần 100 ngàn đồng tiền điện”, đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Dũng, một cán bộ về hưu tại Hà Nội.
Ông Dũng cho biết, trước đây mỗi tháng dù chỉ có 2 vợ chồng nhưng hóa đơn tiền điện nhà ông cũng lên tới hơn 300 ngàn đồng. Những tháng cao điểm, tiền điện có thể là 400 ngàn đồng. Con số này, so với khoản lương hưu của 2 ông bà là tương đối lớn. Vì vây, ông đã quyết định tìm tòi và áp dụng các biện pháp nhằm tiết kiệm năng lượng trong gia đình. Đến nay, những biện pháp này đã mang lại cho gia đình ông hiệu quả rõ rệt.
Tận dụng năng lượng mặt
trời
Theo như chia sẻ của ông Dũng, ngay từ khi có ý định xây lại ngôi nhà vào năm 2010, ông đã lên ý tưởng thiết kế để tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên, hạn chế việc bật đèn. “Chúng tôi đã về hưu, nên hầu như ở trong nhà cả ngày. Nếu cứ bật đèn suốt, ngoài việc tốn điện, còn tạo cảm giác rất bí bách, khó chịu. Vì vậy, tôi chú trọng thiết kế ngôi nhà để sử dụng được nhiều ánh nắng nhất”, ông Dũng nói.
Theo đó, ở phần mái, thay vì lợp tôn hay đổ bê tông như nhiều nhà hàng xóm, ông đã cho lắp đặt một tấm kính chịu lực. Tấm kính này sẽ cung cấp ánh sáng xuyên suốt cho ngôi nhà từ tầng mái xuống tầng một. Nhờ đó, dù căn nhà là hình ống, nhưng gia đình ông Dũng hầu như không cần phải bật đèn vào ban ngày.
Căn nhà được cung cấp ánh sáng nhờ lắp đặt kính chịu lực trên mái
Tại các phòng , ông cũng cho lắp cửa chính và cửa sổ bằng loại kính trong để tận dụng ánh sáng tốt nhất. “ Nhiều người khuyên tôi nên lắp cửa gỗ, nhưng tôi thấy cửa gỗ có nhược điểm dễ cong vênh. Lắp cửa kính, từ 6h sáng đến 6h tối, các phòng nhà tôi gần như không phải bật điện. Vào những ngày nắng nóng, đã có rèm cách nhiệt 2 lớp để cản nắng”, ông Dũng cho biết thêm.
Cửa kính trong suốt cung cấp sánh sáng cho toàn bộ căn phòng
Các phòng vệ sinh trong nhà ông cũng được lắp cửa chớp vừa thông gió, vừa để lấy sáng. Nhờ đó, nhà vệ sinh luôn khô ráo, đủ ánh sáng mà không cần sử dụng quạt thông gió hay dùng đèn. Bên cạnh đó, nguồn nước nóng dùng cho sinh hoạt của gia đình cũng luôn được đảm bảo, do ông Dũng đã cho lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời với dung tích 140 lít ở trên mái.
Nhà tắm luôn thông thoáng và sáng sủa nhờ cửa chớp lấy sáng
Ông Dũng cho biết, vào mùa hè, lượng nước nóng dư thừa, ngoài tắm có thể sử dụng để giặt quần áo bằng máy giặt. Đến mùa đông, khi số lượng giờ nắng giảm, gia đình ông chỉ cần bật bình nóng lạnh thêm ít phút là đủ dùng.
Không dùng là tắt
Ngoài việc tiết kiệm phần lớn lượng điện từ hệ thống chiếu sáng, theo ông Dũng, lý do quan trọng giúp gia đình ông giảm được tiền điện là không sử dụng máy điều hòa. Thay vào đó, trong những ngày nắng nóng, gia đình ông dùng quạt trần. Ông Dũng cho biết, ưu điểm của quạt trần là tạo được gió thoáng mát cho một vùng không gian rộng, lại không tạo cảm giác khô rát da như dùng điều hòa. Khi chỉ có một người sử dụng, ông hạn chế bật quạt trần mà dùng quạt bàn.
Sử dụng quạt trần thay thế điều hòa
Đối với các thiết bị điện, khi không sử dụng, ông đều nhắc nhở các thành viên trong gia đình phải tắt hoặc rút nguồn. Các con ông đã lập gia đình và ra ở riêng, chỉ cuối tuần mới về thăm nhà. Các thiết bị điện ở phòng của các con ông như quạt, đèn, TV, sạc điện thoại… đều được rút hẳn nguồn. Khi có người sử dụng thì các thiết bị này mới được cắm.
Ông thường xuyên khuyến khích vợ sử dụng lò vi sóng để hâm nóng thức ăn, thay vì dùng bếp gas để đun lại. Cách làm này không chỉ tiết kiệm năng lượng, mà còn tiết kiệm được cả thời gian. Tháng trước, ông cũng thuê thợ đến thay gas cho chiếc tủ lạnh cũ của nhà mình, để tủ lạnh chạy êm và tiết kiệm điện hơn.
Sử dụng lò vi sóng để hâm lại thức ăn
Ông Dũng bật mí rằng, ông biết được những thông tin này là do thường xuyên đọc báo và xem thông tin từ quyển cẩm nang hướng dẫn sử dụng thiết bị điện hiệu quả. Theo ông, việc tiết kiệm năng lượng trong gia đình không hề khó, nếu mỗi thành viên đều có ý thức về vấn đề này. Ông Dũng cũng cho biết sắp tới, khi thay thế chiếc nồi cơm điện cũ, ông sẽ chọn mua loại nồi cơm được dán nhãn năng lượng để tiết kiệm năng lượng.
Hải Nhy