Ngoài việc sử dụng mô hình biogas cấp cộng đồng với nhiều ưu điểm và được nhân rộng trong toàn xã, xã Nam Cường huyện Tiền Hải, Thái Bình còn sử dụng nhiều mô hình năng lượng khác.
Nhiều mô hình năng lượng sạch
Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GrennID) phối hợp với Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Thái Bình; Liên minh năng lượng đã đề xuất và thiết kế hầm vi sinh biogas, nhân rộng trong toàn xã Nam Cường. Nhiều hộ dân đã xây hầm biogas, hoặc sử dụng nguồn khí vi sinh từ hầm biogas cộng đồng.
Anh Vũ Văn Tiến, thôn Chí Cường cho biết, tháng 9/2013, gia đình anh quyết định xây hầm biogas, từ đó, môi trường sống của gia đình được cải thiện nhiều do lượng chất thải từ chăn nuôi được tận thu, đồng thời gia đình lại có nguồn năng lượng phục vụ sinh hoạt.
Theo anh Tiến, khi chưa xây dựng hầm biogas, hàng tháng, gia đình anh phải chi hơn 1 triệu đồng mua than và gas. Từ khi có hầm biogas, chi phí mua than giảm nhiều, lại không phải mua gas nên mỗi tháng gia đình anh tiết kiệm được khoảng 500.000 đồng.
Một hộ dân xã Nam Cường đang sử dụng nguồn gas theo mô hình biogas cấp cộng đồng
Là hộ buôn bán nhỏ lẻ, không có hầm biogas, nhưng gia đình chị Đào Thị Miên, thôn Hoàng Môn cũng được sử dụng gas miễn phí từ hầm biogas cộng đồng. Nguồn khí gas được dẫn từ trang trại chăn nuôi về cho các hộ gia đình trong thôn.
Theo TS. Trần Duy Khanh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình, mô hình biogas cấp cộng đồng có nhiều ưu điểm hơn so với những hầm biogas trước đây (hầm composite, hầm xi măng). Do có cấu tạo đơn giản, sử dụng công nghệ hầm phủ bạt và có kích thước lớn nên phù hợp với điều kiện quy mô trang trại chăn nuôi lớn và chăn nuôi tập trung. Ngoài ra, hầm biogas này còn có ưu điểm là không bị trôi mất men sinh khí metan khi lượng nước nhiều, lượng khí cũng nhiều gấp hai lần và có thể kết hợp sử dụng chất thải từ công trình vệ sinh. Khi đun nấu, ngọn lửa cháy của hầm biogas này xanh hơn và không gây mùi.
Ngoài những mô hình biogas, xã Nam Cường còn sử dụng nhiều mô hình năng lượng khác như: Mô hình cấp nước uống tinh khiết RO sử dụng dàn pin năng lượng mặt trời công suất 1,5 kW lọc nước; bếp trấu cải tiến; sử dụng phân vi sinh và các chế phẩm khác để xử lý rác thải trong công nghiệp, mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm điện…
Còn nhiều tiềm năng…
Theo ông Trần Văn Dũng, thôn Chí Cường, một hộ nuôi 5 con lợn thì lượng chất thải có thể sử dụng cho hầm biogas của gia đình 10 nhân khẩu. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình ở xã Nam Cường chỉ sử dụng khí biogas thay chất đốt (gas bình, củi, than, điện) đun nấu, chưa khai thác hết lợi ích biogas có thể mang lại.
Với công nghệ hầm phủ bạt, mô hình biogas cấp cộng đồng tại xã Nam Cường đã đạt được nhiều lợi ích, tiết kiệm 1 phần chi phí đun nấu cho các hộ dân
TS. Trần Duy Khanh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình cho biết, biogas còn có thể sử dụng đun nước nóng, chạy tủ lạnh, thắp sáng, thay thế các loại nhiên liệu như xăng, dầu... Tuy nhiên, trừ việc sử dụng khí vi sinh thay thế chất đốt sinh hoạt khá đơn giản, việc sử dụng biogas vận hành các loại thiết bị khác thường phải có cải tiến. Ví dụ, một số loại máy chạy bằng xăng, dầu muốn thay bằng biogas phải cải tiến bình xăng con, hệ thống lọc... Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến nhiều hộ dân xây hầm biogas, nhưng chỉ mới sử dụng thay chất đốt đun nấu.
Ông Hoàng Ngọc Sang - Chủ tịch UBND xã Nam Cường - Trưởng nhóm Năng lượng địa phương xã cho biết, trên địa bàn xã hiện có 3 trang trại lợn (nuôi từ 2.000 đến 2.500 con) nằm cách nhau từ 1-2 km. Gần đây, các chuyên gia của Liên minh Năng lượng đã xây dựng thí điểm hệ thống đường ống dài 600m đưa khí biogas từ một trang trại lợn đến 25 hộ dân xung quanh thôn Hoàng Môn và đồn biên phòng để phục vụ đun nấu. Ngoài việc đun nấu, khí biogas tại đây vẫn chưa được khai thác phục vụ các nhu cầu khác.
Theo ông Sang, để có thể khai thác tối đa nguồn biogas từ những mô hình như biogas cấp cộng đồng và biogas gia đình, cần có sự chung tay góp sức của những nhà khoa học, cụ thể là lực lượng nghiên cứu khoa học tại sở khoa học - công nghệ các địa phương, hỗ trợ người dân về mặt kỹ thuật, nghiên cứu cải tiến các thiết bị để có thể vận hành bằng biogas. Khi đó, việc nhân rộng mô hình xây hầm biogas sẽ không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi, mà còn là phương án tiết kiệm năng lượng gia đình, xã hội, góp một phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo TCDL chuyên đề Thế giới điện