Friday, 15/11/2024 | 21:45 GMT+7
Ở Mỹ, người ta lo lắng rằng nếu như điện năng tiêu thụ bị giảm bớt sẽ ảnh hưởng tới các mô hình kinh doanh của doanh nghiệp trong dài hạn.
Ở Đan Mạch, các công ty điện từ lâu đã phải kinh doanh trong một thị trường tăng trưởng rất chậm hoặc hầu như không ‘nhúc nhích’. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục đầu tư để làm cho nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng giảm.
Đây cũng là một ý tưởng và gợi ý cho những nhà hoạch định chính sách ở Mỹ khi họ đang tìm cách khuyến khích các nhà máy điện đóng vai trò trung gian trong việc giúp người tiêu dùng sử dụng ít điện năng hơn.
Đan Mạch đã đầu tư rất mạnh vào tiết kiệm năng lượng kể từ năm 1970 của thế ký XX khi cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra. Đây là thời điểm mà một cuộc cấm vận dầu mỏ của Arab đã gây ra sự thiếu hụt ngắn hạn về nhiên liệu và làm giá tăng đột biến.
Tổng thống Mỹ Reagan không chấp nhận đưa những tấm pin năng lượng mặt trời lên trên nóc nhà Trắng, nhưng Đan Mạch thì ngược lại, vẫn tiếp tục đầu tư tiền của để đẩy mạnh hiệu quả của các nhà máy và tòa nhà sử dụng năng lượng của mình.
Cam kết của đất nước để tiết kiệm năng lượng gần đây đã được củng cố khi vào năm 2012, họ hy vọng có thể cắt giảm được 12% lượng điện tiêu thụ trong năm 2020 so với năm 2006.
Bản hiệp ước giữa chính phủ và doanh nghiệp đồng thời tạo ra nhu cầu trong việc tiết kiệm điện và thúc đẩy các nhà đầu tư lập nên những kênh mới để kiếm tiền từ cơ hội ngàn năm có một này.
“Rất nhiều công ty thấy đây là một cơ hội tốt để họ có thể mở rộng được miếng bánh của mình trong việc quảng cáo tiết kiệm năng lượng.” Tina Somer Christensen, vụ trưởng vụ tiết kiệm năng lượng và nhà đất Đan Mạch nói.
Nỗ lực đa phương
Cũng như luật định của Đan Mạch, những chính sách về tiết kiệm năng lượng là kết quả của một sự đồng thuận cao, ở đây là giữa Bộ nhà ở, năng lượng và khí hậu Đan Mạch cũng như những tổ chức thương mại khác, bao gồm khoảng 450 công ty năng lượng, dầu mỏ, điện, gas và khí đốt.
Bản thỏa thuận chung này là một sự sửa chữa của hiệp ước kí năm 2006 và sửa một lần nữa vào năm 2009. Họ đặt ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng thường niên trên toàn quốc khoảng 3000 gigawatt giờ trong năm 2013 và 2014, và tiến tới 3400 gigawatt trong năm 2015- một sự tăng trưởng lên tới 75% so với những kí kết trong thời hạn 3 năm trước đây.
Mỗi ngành nghề- dầu mỏ, điện, khí đốt- được đảm nhiệm một phần riêng biệt tương đương với thị phần mà họ chiếm giữ. Điều này phụ thuộc vào các ủy ban thương mại của các ngành nghề để đưa ra tiêu chuẩn của riêng mình, áp dụng cho các công ty thành viên trong ngành mà họ quản lý.
Kể từ năm 2007, các công ty kí kết vào các hiệp ước này đã vượt qua được mục tiêu tiết kiệm năng lượng hằng năm.
Các công ty đón nhận thời cơ
Somer Christensen nói rằng thời điểm đầu có một số sự phản đối từ các công ty năng lượng, nhưng gần đây tất cả đã chấp nhận bản thỏa thuận vì các lí do khác nhau.
Thứ nhất, các bản thỏa thuận này là trung lập về giá cho các công ty. Dù họ có phải chi tiêu bao nhiêu đi nữa để đạt được nghĩa vụ của mình thì cuối cùng các chi phí đó cũng đổ hết cho khách hàng qua các khoản hóa đơn năng lượng tiêu thụ hằng năm.
Thứ hai, hệ thống này vô cùng lịch hoạt. Bộ không quan tâm các ngành nghề đáp ứng các mục tiêu như thế nào. Không có một quy chuẩn nào cho lượng năng lượng tiết kiệm từ khu dân cư hay khách hàng thu nhập thấp. Cũng không có một quy chuẩn nào để tiết kiệm năng lượng từ chính khách hàng hay ngành nghề của các đơn vị giam gia.
Carmila Thingvad, cố vấn cấp cao của tập đoàn năng lượng Đan Mạch nói rằng sự linh hoạt đó giúp các công ty tìm ra biện pháp tiết kiệm năng lượng với giá cả cạnh tranh nhất.
Một đơn vị cung cấp điện ở địa phương, có thể đạt được mục tiêu của mình bằng cách thay đổi các bóng đèn sợi đốt tới các khu vực khác ở đất nước. Hoặc họ có thể đạt được chỉ tiêu bằng cách giúp khách hàng của mình cách nhiệt cho tòa nhà khỏi tiết trời giá rét nhằm giảm điện năng tiêu thụ để sưởi ấm.
Cơ hội kinh doanh mới
Vào năm 2006, năm đầu tiên của bản hiệp ước được triển khai, tất cả các khoản tiết kiệm năng lượng có được đều là nhờ các công ty con đưa ra các dịch vụ tiết kiệm năng lượng. Khoản tiền mà các công ty cung cấp năng lượng bỏ ra đã được bồi hoàn chính bởi khách hàng.
“Có một sự thay đổi lớn lao về việc năng lượng được tiết kiệm như thế nào!”, ông Thingvad nói.
Khi sự cạnh tranh để cung cấp các dịch vụ đơn lẻ ngày càng tăng thì các công ty sẽ đóng gói chúng thành các gói tiết kiệm năng lượng cho các khách hàng tiềm năng. Một công ty có thể tiếp cận được với nhóm khách hàng sử dụng điện lớn hơn và đưa ra giá cạnh tranh hơn hoặc cung cấp giải pháp tài chính để thay thế các thiết bị nếu khách hàng sử dụng các gói dịch vụ của họ.
Các công ty hy vọng có thể đạt được mục tiêu với chi phí thấp nhất. Họ sẽ phải báo cáo thường niên với bộ và các thông tin này sẽ được đưa ra đại chúng để khách hàng có thể so sánh các đơn vị với nhau.
Nhà cung cấp sẽ coi đây là một cách tiếp cận mới để hoàn thành được nghĩa vụ với cộng đồng và cũng là cách để chuyển sang một hệ thống năng lượng xanh hơn. Các công ty sẽ phải đưa nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng hơn và đồng thời giảm tiêu thụ để đạt được mục đích của mình.
Quang Minh (Midwest Energy News)