Friday, 17/05/2024 | 17:52 GMT+7

“Trường học xanh” đầu tiên tại thành phố mang tên Bác

10/04/2015

Trường Tiểu học Lương Thế Vinh đã được Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM chọn làm thí điểm dự án mô hình mẫu trường học xanh đầu tiên tại TPHCM.

Với mục đích xanh hóa trường học và tăng cường nhận thức cho học sinh về tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Q.1 - TPHCM) đã được Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, dưới sự chỉ đạo của UBND TPHCM - chọn làm thí điểm dự án mô hình mẫu trường học xanh đầu tiên tại TPHCM.

Giáo viên và các em HS hào hứng tham gia CLB “Em yêu năng lượng”Giáo viên và các em HS hào hứng tham gia CLB “Em yêu năng lượng”

Sau gần 2 tháng thực hiện, đến nay theo đánh giá ban đầu của lãnh đạo nhà trường, mô hình “Trường học xanh” đã được các giáo viên (GV), học sinh (HS) đón nhận tích cực và đã phát huy được tính hiệu quả.

Những phản hồi tích cực

Đại diện Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, đơn vị trực tiếp thực hiện mô hình này cho biết, việc đưa tiết kiệm năng lượng vào trường học đã được trung tâm thực hiện nhiều năm trước.

Tuy nhiên đạt mô hình xanh với tiêu chí cả về mặt giải pháp, chiếu sáng, công nghệ, thiết bị thì mô hình đồng thời như Trường Tiểu học Lương Thế Vinh lại là mô hình đầu tiên.

Theo đó, trường được ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện nay như: Hệ thống chiếu sáng bằng đèn Led với thiết kế đạt chuẩn và tiết kiệm năng lượng. Hiện có 3 phòng học được thí điểm lắp đặt hệ thống này.

Theo thầy Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Tiểu học Lương Thế Vinh: “Chỉ mới thí điểm được một thời gian ngắn, nhưng qua phản ánh của GV và các em HS, thì hệ thống đèn này rất hiệu quả, đó là ánh sáng tập trung vào vở các em, lại tiết kiệm điện nên nhà trường cũng đang có những dự tính lâu dài, sẽ lắp đặt hệ thống đèn này trong toàn trường vào năm học tới”.

Ngoài hệ thống đèn, tại phòng truyền thông tiết kiệm năng lượng của trường còn được trang bị đầy đủ thiết bị như máy điều hòa, quạt, bóng đèn… tất cả những thiết bị này đều được sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời nối lưới 2kWp do Sở Khoa học và Công nghệ lắp đặt.

Để làm phong phú thêm, phòng truyền thông còn trưng bày những bức tranh trang trí, sách khoa học thiếu nhi những mô phỏng về quá trình tạo ra điện còn có những sản phẩm lắp ráp mô hình năng lượng mặt trời, do các em HS của trường làm ra trong ngày hội tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh đó, phòng được lắp đặt 1 máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời cung cấp nước nóng cho các em HS khi cần sử dụng; 1 máy lọc nước tái sử dụng nước mưa, khi các em có giờ ngoại khóa học tập ở phòng mô hình có thể uống nước trực tiếp sau khi máy xử lý.

Thầy Nguyễn Ngọc Hổ, GV khối lớp 4 của trường, cho biết HS của tất cả các khối học sẽ xoay vòng tham quan và học tập tại phòng mô hình này với sự hướng dẫn của các thầy cô chủ nhiệm phụ trách.

Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ (đơn vị đầu tư cho dự án này) cũng thường xuyên gửi những thông tin tài liệu liên quan để các thầy cô tham khảo, hướng dẫn cho HS. Đầu tuần, đại diện của Sở cũng đến để trao đổi với các em HS giúp các em hiểu hơn về năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Về phía nhà trường, nhằm đưa mô hình trường học xanh đến với tất cả các em HS, Ban giám hiệu nhà trường cũng đã thành lập ra câu lạc bộ “Em yêu năng lượng”. Theo đó, mỗi lớp sẽ có từ 3 - 5 HS tham gia, qua đó giúp các em có được kỹ năng tiết kiệm năng lượng, hiểu về năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng nhằm bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Các em có được sự giao lưu với các bạn để tìm ra những cách tiết kiệm điện tốt nhất, đồng thời các em cùng với giáo viên chủ nhiệm cũng sẽ là những tuyên truyền viên cho tất cả các bạn trong lớp về các kiến thức liên quan.

Từ đó, trường cũng đã tổ chức thành công Ngày hội tiết kiệm năng lượng với nhiều hoạt động dành cho các em HS như thi vẽ tranh, thi viết, thi rung chuông vàng chủ đề tiết kiệm năng lượng, thi lắp ráp mô hình năng lượng mặt trời…

Những sản phẩm mô hình về điện năng lượng mặt trời do các em HS của trường lắp ráp 

Cần được nhân rộng

Theo quan sát của chúng tôi, giờ ra chơi tại Trường TH Lương Thế Vinh, bên cạnh những HS chơi đùa, thì có nhiều thành viên trong CLB “Em yêu năng lượng” đã hướng dẫn, giới thiệu cho bạn bè cùng lớp hay các em HS lớp dưới về những điều mà các em tiếp thu được từ những buổi sinh hoạt của CLB như cách tiết kiệm điện, từ đâu mà có điện để hằng ngày các em sử dụng, làm gì để bảo vệ môi trường xung quanh…

Nhiều em HS xin phép các thầy cô được vào phòng truyền thông tiết kiệm năng lượng để tìm hiểu và cùng nhau bàn luận xung quanh những kiến thức mà các em có về vấn đề này.

Em Nguyễn Thanh Sơn (HS lớp 5/2) của trường chia sẻ: “Khi được các thầy cô và các cô chú giới thiệu về mô hình tiết kiệm năng lượng này ở trường, con thấy rất bổ ích. Con có thêm những kiến thức hay như về các nguồn năng lượng tái tạo: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng nước… hay như quá trình để tạo ra điện.

Từ đó, con ý thức được là ở nhà khi ra khỏi phòng phải tắt đèn, tắt quạt, tắt ti vi, nếu không quá nóng con không bật máy lạnh, quạt luôn để ở chế độ xoay, không sử dụng nước lãng phí. Ở lớp giờ ra chơi, chúng con ra ngoài sân chơi phải tắt quạt, tắt điện. Đi vệ sinh xong chúng con cũng cần tắt điện, luôn giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh mình sạch sẽ…”.

Không chỉ ý thức từ những việc làm rất nhỏ của mình, em Trương Gia Huân (HS lớp 5/5) cho biết, từ những kiến thức có được, em còn lấy đó để chia sẻ với các bạn trong trường, các bạn hàng xóm, anh chị em trong gia đình về việc tiết kiệm điện, tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường.

Thầy Nguyễn Ngọc Hổ cho biết thêm, sau khi mô hình này được thực hiện ở trường, cùng với sự ra đời của CLB “Em yêu năng lượng”, HS lẫn GV đều rất thích thú. Các em HS nhờ vậy mà được nâng cao thêm những kiến thức.

Thầy Hổ lấy ví dụ, các em đã hiểu được điện không phải tự nhiên mà có, những nguyên vật liệu tạo ra điện có thứ tái tạo được, có thứ không… nhất là các em HS lớp 5, khi các em được học môn Khoa học, thì các em rất hứng khởi với dự án bởi các em vừa được học kiến thức cơ bản trong sách vở, vừa được thực hành để tạo ra những sản phẩm cụ thể, sinh động nên tính hiệu quả là rất cao.

Quan trọng hơn, từ những kiến thức mà các em có thông qua dự án này, các em HS đã thể hiện qua những việc làm rất nhỏ, từ đó dần dần hình thành ý thức, thói quen tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Nhận thấy hiệu quả của mô hình nói trên tại Trường TH Lương Thế Vinh, theo chia sẻ của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, trong năm học sắp tới sẽ nhân rộng mô hình này ở nhiều trường học khác nhau thúc đẩy việc GD và thực hiện tiết kiệm năng lượng cho hệ thống trường học trên toàn TP.

Theo Giáo Dục & Thời Đại

Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện