Friday, 22/11/2024 | 20:08 GMT+7
Để bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo bền vững, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng biomass – một loại chất đốt được chế biến từ các phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp và chế biến gỗ.
Với cam kết cắt giảm khí thải CO2 trong sản xuất, Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (VBL) – nhà sản xuất các sản phẩm bia Heineken, Tiger và Larue từ lâu đã chuyển đổi nguồn nhiên liệu từ dầu diesel sang biomass với chỉ số phát thải CO2 bằng 0. Việc áp dụng công nghệ biomass trong sản xuất vừa tăng tính hiệu quả trong hoạt động vừa góp phần bảo vệ môi trường và cổ vũ xu hướng dùng năng lượng tái tạo.
Là một trong những nhà sản xuất bia hàng đầu tại Việt Nam, VBL ưu tiên ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững. Để giảm thiểu lượng CO2 phát thải ra ngoài môi trường, trong những năm qua VBL đã triển khai nhiều giải pháp bao gồm giảm hao hụt nhiên liệu, hiện đại hóa thiết bị và sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó có biomass và biogas.
Ông Paul Bleijs, Giám đốc Chuỗi Cung ứng VBL cho biết hãng luôn thể hiện cam kết mạnh mẽ vì tính bền vững của sản phẩm cũng như hoạt động kinh doanh. "Việc ứng dụng toàn diện công nghệ biomass trong sản xuất nhằm giảm khí thải CO2 là một phần của chương trình mà chúng tôi gọi là 'Vì một thế giới tốt đẹp hơn’. VBL đang góp phần tạo nên xu hướng mới sản xuất và kinh doanh bền vững", ông nhấn mạnh.
Trong năm 2014, VBL đã giảm được 0,58 kg khí CO2 phát thải trên một HL bia thông qua chương trình tiết kiệm và sử dụng năng lương hiệu quả cũng như việc ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất. Theo kế hoạch, trong năm 2015 biomass giúp giảm 35% lượng khí thải CO2 trong sản xuất và con số này là 95% trong năm 2016 và dự kiến là 100% sau năm 2018.
Cụ thể, VBL Đà Nẵng đã hợp tác với một công ty chuyên sản xuất và cung cấp hơi nước bảo hòa từ nguồn nguyên liệu biomass như vỏ trấu, mùn cưa, dăm bào và gỗ băm. Và chỉ sau 2 tháng sử dụng hơi nước bảo hòa từ lò hơi biomass, VBL Đà Nẵng đã cắt giảm được khoảng 18% lượng CO2 phát thải ra môi trường trong năm 2014, con số này tương đương với 1.080 tấn khí thải CO2.
Công nghệ này cũng đang bắt đầu được ứng dụng tại nhà máy VBL Tiền Giang từ tháng 3 năm nay. Dự kiến, trong năm 2015, nhà máy sẽ giảm 80% khí CO2 phát thải. Công nghệ này dự kiến sẽ được ứng dụng tại các nhà máy của VBL tại quận 12, TP HCM vào năm 2016 và Quảng Nam sau năm 2017.
Theo giới chuyên gia, Việt Nam có nhiều nguồn tài nguyên năng lượng khác nhau từ than đến dầu khí, than đá và thủy điện. Tuy nhiên, những nguồn tài nguyên thiên nhiên này không phải là vô tận và đều có nguy cơ cạn kiệt. Vì vậy trong những năm qua, Chính phủ khuyến khích nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo vừa đa dạng hóa các nguồn năng lượng, vừa góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối (biomass).
Trên thực tế, Việt Nam cũng là quốc gia sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, cà phê, hạt điều… Từ đó, nguồn phế thải từ sản phẩm nông nghiệp là rất lớn. Theo Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là tiềm năng để Việt Nam sử dụng nguồn năng lượng này trong tương lai. Biomass còn được sử dụng từ các phế thải của chăn nuôi, rác thải hữu cơ đô thị và các chất thải hữu cơ khác.
Giới chuyên gia cho hay Việt Nam có thể sản xuất 170 triệu tấn biomass, nếu được đưa vào sử dụng sẽ góp phần giảm khí thải CO2 ra môi trường rất hiệu quả. Nhiên liệu biomass trung hòa khí thải CO2, tăng thêm thu nhập cho người nông dân vì người nông dân có thể bán các phụ phế phẩm này cho nhà máy để sản xuất nhiên liệu bio, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường khi để các phụ phế phẩm này tự phân hủy.
Theo Vnexpress