Friday, 08/11/2024 | 03:51 GMT+7
Với quy mô dân số hơn 1,3 tỷ người và tốc độ gia tăng dân số 1,4% mỗi năm, Ấn Độ là một trong những nước có nhu cầu xây dựng nhà ở lớn nhất thế giới. Ở thời điểm hiện tại, mỗi năm quốc gia này tiêu thụ đến 200 tỷ tấn đất sét để sản xuất gạch xây dựng. Điều đó đã kéo theo mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ cùng nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường.
Để giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu của người dân Ấn Độ và nguy cơ suy thoái tài nguyên thiên nhiên, các nhà khoa học tại Học viện công nghệ Massachusetts đã sáng chế ra một loại gạch thân thiện môi trường mới có tên gọi “Eco-Blac” với tiềm năng giảm thiểu đáng kể mức tiêu thụ năng lượng trong quá trình sản xuất.
Cụ thể, để sản xuất loại gạch này, các nhà nghiên cứu đã kết hợp giữa tro lò hơi, với tư cách là nguồn cung cấp si-li-cát nhôm, và chất hoạt hoá kiềm. Sau phản ứng, chúng ta sẽ thu được môt loại gel polyme mà sau khi khô sẽ có hình dạng một khối tinh thể 3-D có độ cứng và độ bền tương đương với gạch.
Xét tổng thể, công nghệ sản xuất gạch Eco-Blac sẽ giúp các doanh nghiệp hạn chế tiêu thụ một lượng lớn điện năng để nung gạch, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường khi không phát thải khí CO2.
Nhóm nghiên cứu kỳ vọng, sự thay thế toàn bộ công nghệ sản xuất gạch truyền thống bằng đất sét hiện nay sang loại gạch mới có thể giúp quốc gia Nam Á này tiết kiệm 24 triệu tấn than mỗi năm, tái sử dụng được 70% lượng chất thải từ các lò hơi và giảm phát thải 76 triệu tấn khí CO2 cùng các loại khí độc hại khác.
Anh Tuấn (Theo Arch Daily)