Thursday, 14/11/2024 | 10:33 GMT+7
Lấy cảm hứng từ loài côn trùng có tên là Corixidae, hay còn gọi là rệp nước, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Bristol, Anh vừa tạo ra Row-bot, một nguyên mẫu robot được thiết kế để tự chèo đi trên mặt nước các kênh, lạch, sông, hồ bị ô nhiễm và “ăn” các vi khuẩn nó gặp trên đường đi. Các con rệp robot này có thể hoạt động trong tất cả các loại môi trường nước, từ nước ngọt, nước biển hay cả nước thải.
Row-Bot có thể bơi cả ngày, thậm chí cả tháng, hút các lớp váng ô nhiễm trên mặt nước. Nhờ có một “dạ dày” tế bào nhiên liệu vi khuẩn, nó có thể “ăn” các vi khuẩn và biến chúng thành năng lượng cung cấp dòng điện cho động cơ mái chèo tiếp tục vận hành. Đây chính là điều tạo nên sự khác biệt của Row-bot với các mẫu robot bơi kích thước nhỏ khác tương tự: nó chạy hoàn toàn bằng môi trường mà nó bơi trong đó.
Rệp robot bơi đã được giới thiệu và trưng bày tại Hội thảo Quốc tế về Robot và các Hệ thống thông minh IEEE/RSJ tổ chức tại Hamburg, Đức cách đây vài tháng. Công nghệ này đặc biệt hứa hẹn nhiều triển vọng vì Row-Bot có khả năng tạo ra năng lượng nhiều hơn mức cần thiết để có thể tự tiếp tục vận hành. Điều này có nghĩa là vấn đề ô nhiễm nguồn nước hoàn toàn có tiềm năng sẽ được giải quyết phần nào nhờ các Row-bot làm sạch nước tiết kiệm năng lượng này.
Hoa Nguyễn (theo Fast Company)