Friday, 27/12/2024 | 19:27 GMT+7

Ứng dụng than sinh học vào nông nghiệp giúp tăng năng suất

17/02/2016

Than sinh học có nhiệm vụ giữ được độ ẩm cho đất, giúp cây sinh trưởng tốt qua các thời kỳ khô hạn. Quan trọng nhất, nó bổ sung dưỡng chất cho đất duy trì độ phì nhiêu.

Biocarbon hay Biochar là than sinh học, còn gọi là than đen, có hạt mịn được sản xuất bằng phương pháp nhiệt phân từ nguyên liệu có nguồn gốc sinh khối thực vật (gỗ, thân, cành, lá và phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ). Than sinh học có nhiệm vụ giữ được độ ẩm cho đất, giúp cây sinh trưởng tốt qua các thời kỳ khô hạn. Quan trọng nhất, nó bổ sung dưỡng chất cho đất duy trì độ phì nhiêu. 

Than sinh học có diện tích bề mặt lớn và cấu trúc lỗ rỗng phức tạp (1g có thể có một diện tích bề mặt hơn 1.000 m2) nên có khả năng hấp thụ và giữ nước cũng như chất dinh dưỡng dưới mặt đất. Nhờ cấu trúc này mà than sinh học đồng thời cũng cung cấp một môi trường sống an toàn cho cây và các vi sinh vật có lợi trong đất.

Trong nông nghiệp than sinh học cũng đã được sử dụng như một loại giá thể trồng các loại hoa có giá trị kinh tế cao như hoa lan, hoa ly… Việc sử dụng than sinh học làm từ trấu hun để làm giá thể, đất nhân tạo và phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ cho trồng hoa, cây cảnh và các loại rau đặc sản cũng đang được đẩy mạnh. Ở phía Nam nước ta, than sinh học từ mùn cưa, trấu cũng đã được chế biến thành dạng than viên như than tổ ong để đun nấu thay cho than tổ ong, vừa tận dụng được phế thải nông nghiệp vừa tránh ô nhiễm môi trường.

Theo các chuyên gia sinh học, than sinh học giữ được thành phần dinh dưỡng có trong vật tạo ra nó (rơm, rạ, trấu…), có độ phân hủy chậm, làm chậm quá trình thoái hóa đất, giảm bạc màu, chống chua cho đất, giữ ẩm, tạo điều kiện cho vi sinh vật trong đất phát triển, giúp cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng.

Than sinh học (Biochar) không những làm tăng năng suất cây đậu phụng trên đất cát mà còn giữ ẩm, giữ phân bón, giữ nguồn vi sinh sinh vật có lợi trong đất. Sử dụng Biochar sẽ tạo ra sản phẩm sạch, chi phí đầu tư thấp và tiết kiệm một lượng nước tưới đáng kể. Theo các nhà sản xuất, phân than - Biochar không những được tạo ra từ trấu, mà còn tạo ra được từ vỏ hạt cà phê, rơm rạ, lá cây, cành nhánh cây, rác hữu cơ…

Đối với Bình Định thì nguồn nguyên liệu làm ra Biochar là rất dồi dào. Tuy vậy đây là điều mới mẻ chưa được phổ biến tới nông dân. Biochar không những bón cho cây đậu phụng nó còn dùng để bón cho nhiều loại cây trồng khác như lúa, mì, bắp... hay các loại cây rau màu, cây công nghiệp, cây trồng rừng. Nhiều nơi ở nước ta như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương… bà con đã tự sản xuất Biochar từ phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây trồng.

Theo Việt Quality