Friday, 08/11/2024 | 18:58 GMT+7

Úc: Dự án năng lượng tái tạo cắt giảm 138.000 tấn khí thải cacbon

27/06/2016

Dự án năng lượng tái tạo Melbourne sẽ tạo ra một môi trường phát triển năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu 138.000 tấn khí thải hằng năm cho thành phố.

Dự án năng lượng tái tạo Melbourne sẽ tạo ra một môi trường phát triển năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu 138.000 tấn khí thải hằng năm cho thành phố.

Arron Wood - Ủy viên Hội đồng, Chủ tịch quỹ đầu tư môi trường thành phố Melbourne đã đưa ra các thảo luận về các biện pháp có thể giúp thành phố dẫn đầu trong việc khắc phục tình trạng biển đổi khí hậu.

Dự án năng lượng tái tạo Melbourne do Hội đồng thành phố quản lý, đã hình thành và triển khai được hai năm. Một tập đoàn tài chính đã được thành lập từ mười ba tổ chức lớn đang hoạt động tại thành phố với mục đích ký kết hợp đồng thu mua công suất điện từ dự án năng lượng tái tạo với quy mô lớn.

Thành viên của tập đoàn tài chính này bao gồm thành phố Melbourne, Bưu chính Australia, Ngân hàng Quốc gia Australia, Đại học Melbourne, RMIT, Trung tâm điều hành và khai thác dữ liệu NEXTDC, Sở thú Victoria, thành phố Port Phillip, Hội đồng thành phố Moreland, thành phố Yarra, Citywide, Trung tâm hội nghị và triển lãm Melbourne và Ngân hàng Australia. Nếu dự án thành công sẽ giúp thành phố Melbourne cắt giảm 138.000 tấn khí thải cacbon mỗi năm. 

Chiến lược này sẽ tạo cơ hội cho dự án tìm được đối tác mua điện và đồng thời vượt qua một thực tế: không ai trong số 13 tổ chức nói trên đủ lớn mạnh để tự ký kết một hợp đồng năng lượng với quy mô lớn như vậy.

Quá trình đấu thầu đang được tiến hành để tìm kiếm nhà cung cấp 110GWh năng lượng tái tạo mỗi năm, đủ cung cấp điện cho 28.000 hộ gia đình. Hạn chót cho việc đấu thầu là ngày 20 tháng 06 năm 2016. Bởi quá trình này mang tính bảo mật nên Hội đồng sẽ không tiết lộ bất kì thông tin nào cho các công ty năng lượng đã trình đơn đề xuất. 

Chiến lược này được xem như một cuộc cách mạng, bởi đây là lần đầu tiên ở Australia có một nhóm các nhà thu mua tham gia vào quá trình thu mua năng lượng tái tạo với quy mô lớn. Trên thực tế, Hội đồng cho biết chiến lược này dưới sự lãnh đạo của hội đồng thành phố, không giống bất cứ một mô hình tương tự nào trên thế giới.

Theo Arron Wood: "Chúng ta không thường nói Chính phủ là những nhà sáng tạo nhưng đây thực sự là một dự án sáng tạo do thành phố Melbourne triển khai”.

Dự án Melbourne đang nhận được sự quan tâm toàn cầu và chủ yếu từ nhóm C40 Các thành phố dẫn đầu về Ứng phó với Biến đổi Khí hậu, một nhóm quốc tế với 75 thành phố lớn từ sáu lục địa, bao gồm London, Paris, Bắc Kinh, Thượng Hải và New York.

Vào tháng Ba vừa qua, sự quan tâm của C40 được thể hiện bằng chuyến thăm tới Melbourne của Mark Watts, Giám đốc điều hành tại trụ sở London, để nghiên cứu về chiến lược biến Melbourne thành “thành phố cacbon thấp” (low-carbon city). 

Watts miêu tả mô hình của tập đoàn là “một sáng kiến tuyệt vời” phản ánh sự cần thiết của những giải pháp sáng tạo. 

Watts cho biết thêm: “Bằng cách hợp tác với những đối tác lớn cần sử dụng năng lượng trong thành phố như Đại học Melbourne, Ngân hàng Australia và sở thú thành phố, họ đã tạo ra một môi trường đảm bảo cho năng lượng tái tạo và khiến một nhà máy tái tạo năng lượng trở thành nơi đầu tư hấp dẫn cho các công ty điện”.

Watts cũng tin rằng mô hình Melbourne chính là điều mà mọi thành phố trên thế giới cần, đặc biệt là những thành phố đang không có sự kiểm soát chặt chẽ đối với quá trình sản xuất điện.

Hội đồng đã đề ra mục tiêu tới năm 2018, 25% năng lượng của thành phố sẽ được sử dụng từ nguồn năng lượng tái tạo. Hiện nay, con số này đang nằm ở mức 12%. Wood cho biết, ngay cả với các dự án 110GWh, sẽ còn rất nhiều việc cần phải thực hiện để đạt được mục tiêu đã đặt ra. Dự án này là một bước tiến lớn nhất từ trước đến nay của thành phố Melbourne trong việc nỗ lực đẩy lùi biến đổi khí hậu, trong đó có sự hợp tác của các doanh nghiệp để công trình phát triển bền vững và thay thế hệ thống đèn đường bằng đèn LED. 

Hoa Nguyễn (Theo Theguardian.com)