Monday, 23/12/2024 | 08:02 GMT+7
Trong những năm gần đây, việc phát triển các công trình xanh thân thiện với môi trường đã bước đầu đem lại hiệu quả và đang trở thành xu hướng tất yếu trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.
Lợi ích của việc phát triển các công trình xanh
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, Việt Nam được dự báo phải chịu nhiều thách thức trước vấn đề biến đổi khí hậu và từ những năm 2000, chúng ta đã có nhiều hoạt động tích cực. Điển hình là việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cùng nhiều chương trình hành động thiết thực khác. Đáng chú ý là “Kế hoạch hành động của ngành xây dựng về tăng trưởng xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Thực tế những năm qua cho thấy, việc phát triển công trình xanh mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với kinh tế-xã hội và môi trường. Với riêng thị trường bất động sản, thế giới cũng đã chứng minh, việc ứng dụng phát triển công trình xanh sẽ mang lại rất nhiều giá trị gia tăng và tạo ra sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường bất động sản. Vì vậy các chủ đầu tư và người mua nhà cần có nhận thức đúng để thúc đẩy công trình xanh trong xây dựng.
Theo ông Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), việc phát triển công trình xanh đã lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới và trở thành xu thế tất yếu trong lĩnh vực xây dựng.
Hiện nay, thế giới đã có hơn 100.000 công trình xanh với hơn 1 tỷ mét vuông được đánh giá ở mức độ khác nhau cho thấy các chủ đầu tư đã nhận thức rõ lợi ích của công trình xanh trong chiến lược phát triển quốc gia và toàn cầu.
Tại Việt Nam, dự báo công trình xanh sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Ngày càng có nhiều hơn các chủ đầu tư và người mua nhà hướng tới các tiêu chí “xanh” trong việc phát triển các dự án xây dựng, các công trình nhà ở. Đó là các tiêu chí trong việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong suốt quá trình hoạt động của công trình.
Thực tế những năm gần đây cho thấy các doanh nghiệp xây dựng đã có nhiều thay đổi trong tầm nhìn và định hướng phát triển, hướng tới cung cấp ra thị trường những công trình có nhiều yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng. Các dự án trình diễn của UNDP về ứng dụng các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong công trình mới và công trình cải tạo cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt được từ 25% đến 67%/công trình, với chi phí gia tăng từ 0% đến 3% tổng mức đầu tư/công trình và thời gian hoàn vốn tối đa là 5 năm.
Nói đến công trình xanh thì việc sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường là một trong những tiêu chí hết sức quan trọng để thay thế các vật liệu xây dựng truyền thống đang tác động xấu đến môi trường, gây nhiều hệ lụy như mất đất nông nghiệp, gia tăng khí thải, gây ra hiệu ứng nhà kính…
Số liệu thống kê cho thấy, cứ một tỷ viên gạch nung quy chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất được khai thác ở độ sâu 2 m, tương đương với 75 ha đất nông nghiệp bị mất đi. Như vậy, nếu như trong năm 2020, nhu cầu sử dụng gạch nung của nước ta khoảng 42 tỷ viên thì dự kiến sẽ phải tiêu tốn từ 50-70 triệu m3 đất, tương đương với khoảng 3.000 ha đất nông nghiệp, tiêu thụ khoảng 6 tỷ tấn than nung và thải ra môi trường khoảng 23 tỷ tấn CO2.
Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, việc thúc đẩy phát triển dòng vật liệu thân thiện với môi trường được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần sử dụng khoảng 15-20 triệu tấn tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao mỗi năm để sản xuất vật liệu xây dựng không nung. Qua đó, tiết kiệm được 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải, tro, xỉ, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.
Nhân rộng những mô hình công trình xanh trong xây dựng
Theo thống kê của Công ty Tài chính quốc tế (IFC), đến quý III năm 2020, tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 155 công trình, khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Những năm qua, Capital House là một trong những chủ đầu tư tiên phong trong việc phát triển các công trình xanh, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, qua đó tiết kiệm được tài nguyên, tiết kiệm sử dụng năng lượng, đồng thời mang đến những luồng gió mới để thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam.
Chia sẻ tại Hội thảo khởi động chương trình phát triển công trình xanh do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức vừa qua, đại diện quản lý phát triển công trình xanh của Tập đoàn này chia sẻ: Tại các dự án của Capital House, nhờ ứng dụng công nghệ, chủ đầu tư đã giúp cư dân tiết kiệm hóa đơn tiền điện, hóa đơn tiền nước đến 27,5% và 28% về vật liệu xây dựng.
Theo đại diện của Tập đoàn này, vấn đề trở ngại hiện nay là phần lớn các chủ đầu tư và ngay cả người mua nhà còn có nhận thức mơ hồ về công trình xanh. Do đó cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về những lợi ích, hiệu quả của công trình xanh trong lĩnh vực xây dựng để góp phần thay đổi và nâng cao nhận thức, thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn.
Đại diện chủ đầu tư này cũng kiến nghị Nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, cụ thể hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Đồng thời có chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với những chủ đầu tư xây dựng, phát triển công trình xanh, có tỉ lệ sử dụng nhiều vật liệu thân thiện với môi trường.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam