Friday, 08/11/2024 | 06:34 GMT+7

Phát triển điện mặt trời áp mái cho các khu công nghiệp Đà Nẵng

26/11/2021

Hội thảo "Kháng thể năng lượng 4.0" giới thiệu một số số công nghệ, chương trình hỗ trợ khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Sáng ngày 26/11 Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng (DHPIZA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Mặt trời Bách Khoa tổ chức Hội thảo "Kháng thể năng lượng 4.0". Với chủ đề “Tiêu chuẩn thiết kế - lắp đặt điện mặt trời và Giải pháp tài chính” hội thảo nhằm giới thiệu một số công nghệ, chương trình hỗ trợ khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo tại các Khu công nghiệp (KCN), Khu công nghệ cao trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng như các địa phương trên cả nước.
Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Trần Văn Việt - Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày một tăng cao, để đáp ứng tốc độ phát triển mạnh mẽ của đất nước, với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, các giải pháp như phát triển nguồn năng lượng tái tạo và tăng cường tiết kiệm năng lượng rất quan trọng trong tương lai, được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, vận động và tổ chức thực hiện ở mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội. Đặc biệt, sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ đã có những quyết định và cam kết hành động mạnh mẽ trong vấn đề giảm phát thải khí nhà kính.
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019. Hàng năm, Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng- Bộ Công Thương đều triển khai các nhiệm vụ để thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, nhiệm vụ “Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật và trình diễn 03 mô hình điển hình về thiết kế, thi công, lắp đặt, vận hành và bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện mặt trời áp mái” là một trong các nhiệm vụ được thực hiện trong năm 2021.
Ông Trần Văn Việt - Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc tại hội thảo.
"Với tiềm năng về bức xạ năng lượng mặt trời tại Việt Nam, đồng thời trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có những cơ chế, khuyến khích tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng và phát triển các loại hình nguồn điện, đặc biệt là điện mặt trời. Do đó, điện mặt trời áp mái đã có những bước tiến phát triển vượt bậc cả về quy mô và công suất. Điều này cũng đem lại những lợi ích hết sức tích cực như tăng cường nguồn điện cho hệ thống quốc gia, tăng cường tiêu thụ điện tại chỗ, giúp giảm tải cho hệ thống truyền tải và giảm tổn thất điện năng do truyền tải. Ngoài ra, điện mặt trời áp mái cũng đem lại các lợi ích rất lớn về kinh tế cho chính các doanh nghiệp, các nhà đầu tư."ông Trần Văn Việt nhấn mạnh.
Tại hội thảo, ông Phạm Trường Sơn - Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, với số giờ nắng cao, tiềm độ bức xạ trung bình lớn Đà Nẵng có tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời trong thời điểm hiện tại và trong tương lai.
Triển khai chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 104/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án Phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Mục tiêu cụ thể của đề án là nâng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà đối với các khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ đạt khoảng 80 MW trong năm 2021, đạt 142 MW năm 2030 và gần 200 MW năm 2035. Tập trung phát triển điện năng lượng mặt trời mái nhà tại các cơ sở sản xuất, trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, đặc biệt tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
Hiện tại, số lượng doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời áp mái trong các khu công nghiệp của thành phố Đà Nẵng không nhiều, dưới 50% doanh nghiệp áp dụng điện mặt trời áp mái. Vì vậy, trong thời gian sắp tới, cùng với việc phát triển các khu công nghiệp mới, chúng tôi sẽ tiếp tục động viên, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ điện mặt trời áp mái.
"Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt dần của nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là gia tăng chi phí nhiên liệu sản xuất. Trong bối cảnh đó, việc ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu, bảo đảm cho các hoạt động bền vững của các doanh nghiệp và phù hợp với định hướng phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái của TP Đà Nẵng." - ông Phạm Trường Sơn nhấn mạnh.
Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng giám đốc SolarBK trình bày tại hội thảo
Phân tích về ưu điểm của năng lượng mặt trời áp mái bà Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng giám đốc SolarBK cho biết: Về khía cạnh môi trường, điện mặt trời sẽ giúp giảm phát thải khí CO2 tướng ứng với lượng cây xanh được trồng mới. Về khía cạnh tài nguyên, có thể tận dụng mái nhà để lắp đặt điện mặt trời và sẽ giúp nhiệt độ bên dưới mái nhà giảm khoảng 3oC. Về khía cạnh kinh tế, điện mặt trời sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí vận hành.
Bên cạnh những nội dung hữu ích về tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả; lợi ích của việc tận dụng năng lượng mặt trời góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính thì hội thảo còn cung cấp các thông tin thúc đẩy việc áp dụng quy trình chuẩn, tối ưu trong thiết kế, thi công lắp đặt, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện mặt trời áp mái và số hóa hoạt động giám sát, quản lý năng lượng.
Mai Anh